Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý dự thảo luật dân sự sửa đổi

Các đại biểu là thành viên hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập góp ý về nội dung liên quan đến chế độ sở hữu toàn dân, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi…
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý dự thảo luật dân sự sửa đổi ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 9/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị thành viên các hội đồng tư vấn góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Nhiều nội dung liên quan đến chế độ sở hữu toàn dân, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi… đã được các đại biểu góp ý tại Hội nghị.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa, xã hội và môi trường, cho rằng dự thảo Bộ luật còn thiếu cụ thể trong vấn đề bồi thường thiệt hại. Chẳng hạn, Điều 192 quy định nếu làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường, song hành vi làm mất vai trò của môi trường như chặt cây to lại chưa quy định rõ.

Về vấn đề sở hữu được quy định tại Chương 13, các đại biểu bày tỏ không đồng tình về chế độ sở hữu toàn dân, quy định như dự thảo là không nhận thức đúng mức về chế độ sở hữu toàn dân là một hình thức cụ thể của chế độ sở hữu chung…; cần nhận thức rõ hơn nhu cầu phát triển nội hàm của phạm trù quyền sở hữu bởi trên thế giới đã hình thành quyền sở hữu hạn chế hay nói cách khác là quyền sử dụng tài sản đã trở thành một loại hàng hóa được lưu thông rộng rãi trên thị trường. Do vậy, khi người chủ sở hữu chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản thì chỉ còn quyền sở hữu hạn chế. Người nhận quyền sử dụng tài sản cũng trở thành người sở hữu hạn chế…

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung và làm rõ quyền sở hữu hạn chế vào Điều 208 dự thảo Bộ luật cho phù hợp với sự phát triển về quyền sở hữu. Điều này cũng phù hợp với một số điều khác trong dự thảo Bộ luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng dự thảo cần phân định rạch ròi ba quan hệ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, tránh tình trạng toàn dân sở hữu, Nhà nước không quản lý được .

Cũng liên quan đến vấn đề sở hữu, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật chưa làm rõ được cơ sở khoa học về chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân; sở hữu hạn chế, tài sản phi hiện vật… Đại biểu cho rằng quyền sử dụng tài sản đã trở thành một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường, không phải chỉ có quyền sở hữu tài sản mới là hàng hóa được mua bán…

Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, các đại biểu nhìn nhận tòa án không nên can thiệp sâu vào hợp đồng vì đây là hoạt động hoàn toàn thỏa thuận và tự nguyện ràng buộc của các bên ký kết. Nếu vi phạm hợp đồng, hai bên đã có điều khoản ràng buộc tự xử lý. Nếu làm thiệt hại lợi ích của nhau, họ sẽ chịu sự điều chỉnh của luật khác chứ không còn là quan hệ dân sự nữa.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp vào quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, quyền nhân thân với lưu ý các quy định này phải phù hợp và cụ thể hóa Hiến pháp 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục