Xếp hạng tín dụng: Ngăn chặn rủi ro thất thoát vốn

Kết quả xếp hạng của CIC là bước phát triển khuyến khích các doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, ngăn chặn rủi ro thất thoát vốn.
Ngày 21/9/2012, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị “ Đánh giá tác động của xếp hạng tín dụng đối với hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam” nhằm tiến tới minh bạch thông tin của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình nhấn mạnh, việc đánh giá tác động xếp hạng tín dụng đối với hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp nhằm tiến tới minh bạch thông tin của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng Việt Nam. Kết quả xếp hạng của CIC là bước phát triển khuyến khích các doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, ngăn chặn rủi ro thất thoát vốn, sàng lọc các nguồn lực tốt nhất để đầu tưu phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, còn là kênh thông tin hiệu quả để tổ chức tín dụng tham khảo trong đánh giá khách hàng, quản trị rủi ro tín dụng.

Nghiệp vụ xếp hạng tín dụng tại Việt Nam được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai từ năm 2002, nhằm cung cấp thông tin trong hệ thống Ngân hàng, phục vụ yêu cầu quản lý và quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng. Trải qua các giai đoạn phát triển, học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm trăm năm của Ngân hàng Trung ương Pháp, nghiệp vụ này đã được đánh giá cao về tính hiệu quả. CIC trở thành Tổ chức công duy nhất tại Việt Nam công bố kết quả xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.

Với kho dữ liệu quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay (khoảng 400.000 hồ sơ doanh nghiệp được lưu trữ, trong đó: 50.000 báo cáo tài chính doanh nghiệp được cập nhật hàng năm, 100% hồ sơ doanh nghiệp có quan hệ tín dụng được cập nhật dư nợ thường xuyên), CIC cung cấp trên 20.000 bản xếp hạng tín dụng hàng năm phục vụ Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức tín dụng.

Tại hội nghị này, CIC đã công bố top 1.000 doanh nghiệp Việt Nam có kết quả xếp hạng tín dụng tốt nhất thông qua ấn phẩm “TOP 1000 doanh nghiệp Việt Nam năm 2012”. Đây là hoạt động thường niên của CIC trong 4 năm qua nhằm công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp ở 35 ngành nghề kinh tế và ở các quy mô trung bình và lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả với kết quả xếp hạng tín dụng từ khá trở lên, có quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng.

Theo đó đã có 277 doanh nghiệp đạt hạng ưu (từ AA đến AAA) và 723 doanh nghiệp đạt hạng khá tốt (từ BB đến A).

Cũng tại hội nghị này, CIC biểu dương 5 tổ chức tín dụng tiêu biểu năm 2012 đối với nghiệp vụ xếp hạng tín dụng của CIC gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Maritime Bank.

Trên thực tế, hoạt động xếp hạng tín dụng doanh nghiệp ở Việt Nam còn khá mới mẻ, song được các ngân hàng, doanh nghiệp đánh giá rất cao.

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho hay, hoạt động tín dụng chiếm 50 - 70% tổng thu nhập của ngân hàng, song cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là đối tượng được cấp tín dụng cố tình lừa đảo, trây ỳ, không trả nợ đúng hạn, hoặc sử dụng vốn sai mục đích, do yếu kém trong kinh doanh và quản lý. Rủi ro này hoàn toàn có thể giảm thiểu, nếu các ngân hàng thực hiện tốt khâu “phòng bệnh”, tức là sàng lọc khách hàng từ trước khi cấp tín dụng.

"Thông qua xếp hạng tín dụng của khách hàng, ngân hàng có thể đánh giá cơ bản về mức độ rủi ro của khách hàng, sàng lọc được khách hàng tốt để phục vụ việc ra quyết định cấp tín dụng. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có thể tập trung vào các đặc điểm riêng của khách hàng, để có biện pháp quản lý tín dụng hiệu quả”, ông Hưởng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho rằng, quan hệ khách hàng của các tổ chức tín dụng phụ thuộc vào mức độ xếp hạng tín dụng của khách hàng đó. Những khoản vay có mức rủi ro cao cần phải kiểm soát, đánh giá thường xuyên, những khách hàng vay có mức xếp hạng tín dụng thấp cũng cần phải được chú trọng theo dõi, “thăm hỏi”. Ngược lại, những khách hàng tốt với mức xếp hạng tín dụng cao sẽ được ưu ái hơn trong các quan hệ giao dịch.

Ông Tuân cho biết, hệ thống xếp hạng tín dụng của Vietcombank đang ngày càng được hoàn thiện và là nền tảng cho cả hai lĩnh vực: quản trị rủi ro và công tác khách hàng nhằm đạt được độ chính xác, hiệu quả hơn, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị ngân hàng theo yêu cầu của Basel II.

Về phía doanh nghiệp, kết quả xếp hạng tín dụng cũng mở ra khá nhiều cơ hội. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May thêu An Phước khẳng định, xếp hạng tín dụng là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá vị thế cạnh tranh, nhất là so với các doanh nghiệp cùng ngành, đánh giá độ tín nghiệm với ngân hàng. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp tránh rủi ro trong lựa chọn đối tác kinh doanh.

Tại Việt Nam, hiện mới có tổ chức xếp hạng tín dụng công là CIC, bên cạnh hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng thương mại. Kết quả xếp hạng của CIC được xem là đáng tin cậy nhất, có uy tín nhất để các ngân hàng tham khảo, điều chỉnh kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ. Dù hiện tại, kết quả xếp hạng tín dụng vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, song đại diện CIC tin tưởng: “Thời gian tới, xếp hạng tín dụng sẽ phổ cập rộng rãi ở Việt Nam vì lợi ích chung của cả nền kinh tế”.

Chung nhận định, đa phần các ngân hàng, doanh nghiệp đều cho rằng, xếp hạng tín dụng  thời gian tới sẽ ngày càng được quan tâm hơn, bởi không chỉ với doanh nghiệp, ngân hàng, mà còn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục