100% giảng viên ĐH sư phạm là thạc sỹ vào 2015

Đến năm 2015, 100% giảng viên trường đại học sư phạm sẽ đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó ít nhất 25% đạt trình độ tiến sỹ.
Theo chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011-2020,” đến năm 2015, 100% giảng viên trường đại học sư phạm đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó ít nhất 25% đạt trình độ tiến sỹ và phấn đấu năm 2020, ít nhất 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sỹ.

Đây là một trong những nội dung nằm trong 7 đề án trọng tâm nhằm thực hiện chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011- 2020,” được đề cập đến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm diễn ra vào ngày 27/8 ở đầu cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Cũng theo chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011-2020,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, cho biết mục tiêu chung của chương trình là phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2011-2020.

Đồng thời, xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới của ngành sư phạm cả nước; tăng cường sự gắn kết giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Văn Cẩn đề xuất một số nội dung phát triển bền vững trong đào tạo, giáo dục ngành sư phạm.

Phó giáo sư-tiến sỹ cho rằng cần đổi mới tuyển sinh trong ngành sư phạm. Cụ thể việc tuyển sinh tất cả các ngành cần thêm các môn bắt buộc như Văn học và tiếng Việt nhằm đảm bảo trình độ chuyên môn của giáo viên sau này; đồng thời gìn giữ ngôn ngữ dân tộc.

Phó giáo sư-tiến sỹ cũng cho rằng cần tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên ngay từ học kỳ 2 của năm thứ nhất cho đến khi kết thúc khóa học…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến cần đổi mới cách đào tạo nghề ở trong đó đào tạo giáo viên vừa có thể dạy được mầm non lại dạy được bậc tiểu học và giáo viên bậc tiểu học vẫn có thể dạy tại trung học cơ sở… Điều này sẽ giúp cho giáo viên có thể bám sát đối tượng dạy trong quá trình giảng dạy.

Năm học 2010-2011, cả nước có 4.400 giảng viên các trường đại học sư phạm, trong đó giáo sư chiếm 18%, phó giáo sư là 5%, tiến sỹ và tiến sỹ khoa học là 12,84% và thạc sỹ với 46,5%.

So với năm 2006, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tăng 0,5%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ giảm 1,24%, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ tăng 4,06%; tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình là 31 sinh viên/giảng viên.

Ở hai trường sư phạm trọng điểm, các tỷ lệ này cao hơn; trong đó Đại học sư phạm Hà Nội: tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư là 20%, tiến sỹ là hơn 33%. Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư là 6,25% và tiến sỹ là 28,4%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay, ngành giáo dục đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất... nhưng lại có thuận lợi hơn những năm trước về chính sách, chủ trương.

Việc rà soát xây dựng kế hoạch nhân lực đã được giao về từng bộ, ngành, địa phương, đảm bảo có số lượng chính xác cho các nhà giáo dục xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, không để cung không đủ cầu hoặc cung thừa dẫn đến tình trạng lao động thất nghiệp. Bộ Giáo dục cũng cần yêu cầu các địa phương sớm hoành thành quy hoạch nhân lực giáo dục địa phương để hoàn thành quy hoạch nhân lực ngành và công bố sớm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các trường có sự liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là giữa hệ thống trường sư phạm với trường phổ thông, biến các trường phổ thông trở thành vệ tinh đào tạo để sinh viên sư phạm có cơ hội nâng cao hơn kỹ năng của mình.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các trường sư phạm phải để sinh viên tiếp xúc với chương trình phổ thông mới, cung cấp kỹ năng cho những giáo viên tương lai không bị “bỡ ngỡ” khi ra trường. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng của giảng viên các trường sư phạm./.

N.Anh-Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục