Sau một thế kỷ ra đời và phát triển, thể loại kịch nói Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, thiếu hụt khán giả vẫn là thực trạng chung của các nhà hát hay các thể loại nghệ thuật sân khấu nói chung.
Trước tình hình ấy, hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, giải pháp và định hướng phát triển" đã tập hợp nhiều chuyên gia để cùng vinh danh những giá trị tốt đẹp và nhìn lại những khiếm khuyết cần sớm được khắc phục.
Kịch nói đang khủng hoảng
Theo nhà nghiên cứu sân khấu, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Thắng, dù nền kịch nói của chúng ta ra đời muộn 2.500 năm so với thế giới nhưng đã tiếp nhận được những tinh hoa thi pháp của các thời kỳ trước.
“Kịch nói Việt Nam kể từ ‘Chén thuốc độc’ của Vũ Đình Long đã phát triển tiến bộ trong những quy luật vừa mang tính cộng đồng của nhân loại nói chung, vừa mang bản sắc Việt Nam nói riêng,” ông kết luận khi trích những lời thoại đậm chất văn xuôi của Việt Nam trong vở kịch, thay vì đậm chất văn chương của Pháp.
Cũng từ đây, ông Nguyễn Tất Thắng khẳng định kịch nói Việt Nam không ảnh hưởng trực tiếp từ sân khấu Pháp mà tự thân trưởng thành bằng chính nghệ thuật sân khấu truyền thống của mình.
Giới chuyên môn nhận định sân khấu Việt Nam các năm 1970 đến 1990 đã có đời sống nhộn nhịp và tích cực, trở thành thể loại tiên phong của ngành sân khấu trong việc kể chuyện cuộc sống hiện đại.
Đồng tình rằng chúng ta từng có một thời kỳ đỉnh cao, song nhà nghiên cứu, Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Duy Khuê chỉ ra rằng ở thời nay, kịch nói đang khủng hoảng và chưa thể hiện được con người đương thời.
[Nhớ người “thắp lửa” cho sân khấu Việt Nam-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ]
Ông nhận xét: “Tư duy kịch nói của chúng ta cho đến thời điểm này cũ kỹ quá, không sang trọng. Các tác giả viết kịch vẫn có tư duy cũ kỹ, lại né tránh hiện thực, không hiểu mấy về nhân cách, cảm thức của con người hiện thực ngày nay. Chúng ta phải bám sát thực tế để phản ánh, đừng vì thành tích mà ca ngợi.”
Cùng với đó là một sự thực đáng báo động khi thế hệ các kịch gia, đạo diễn xuất sắc đều đã rất lớn tuổi còn thế hệ kế cận chưa mang đến những tác phẩm nổi bật. Kịch nói Việt Nam đã đi qua những huy hoàng trong các thập niên 1970-1980 cùng những “Rừng trúc,” “Dòng sông ám ảnh,” “Nhân danh công lý” hay “Hà My của tôi”...
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái (Phó Ban lý luận phê bình, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam) nhận định: Kịch đã mất đi đối thoại với đời sống và khán giả.
“Cuối thế kỷ 20, đầu 21, sân khấu vắng lặng. Nếu dùng từ hơi ‘tàn nhẫn’ thì sân khấu mất trắng khán giả," bà Thái nhận xét. "Các sân khấu nhỏ phía Nam ra đời, phát triển rất mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh, được yêu thích nhưng thực chất chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế đã chứng minh kiểu nhà hát ấy sớm chóng lụi tàn. Sau đó, chúng ta mới có các sân khấu xã hội hóa, sân khấu tư nhân ra đời, ngoài Bắc có đoàn kịch của các nghệ sỹ Trần Lực, Lệ Ngọc, trong Nam có sân khấu Idecaf, sân khấu Hồng Vân... để cứu sân khấu phần nào.”
Giải pháp nào cho sân khấu kịch?
Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Thái, để có được kịch nói Việt Nam thì nhà viết kịch Vũ Đình Long đã làm rồi. Đến công đoạn thứ hai, đạo diễn và nhà nước phải chấp nhận cảnh đạo diễn tự học thành nghề, diễn viên cũng không được đào tạo mà khán giả cũng không biết thưởng thức.
"Từ nửa thế kỷ 20 đến năm 1945, sau kháng chiến chống Pháp, nhà nước nhận ra nếu không hoàn thiện nó về phương diện chuyên nghiệp, nhất là về đạo diễn thì không cách nào phát triển được. Chính vì vậy, giải pháp duy nhất là đưa văn hóa thành công nghiệp kiếm ra tiền, tức là phải khiến khán giả mua vé. Các nước xung quanh chúng ta đều đã làm được, chúng ta làm được. Tôi cho rằng đây là cách duy nhất để tìm lại người xem đã mất và để sân khốc xốc lại mình. Bây giờ thế hệ chói sáng nhất đã dần ra đi, cạn kiệt dần những tác phẩm để dàn dựng,” bà nhận định.
Bà Thái lấy dẫn chứng biên đạo múa Trần Ly Ly từng mang ‘Những người khốn khổ,’ ‘Hồ thiên nga’ về Việt Nam. Đó là một ví dụ cho công nghiệp hóa trong nghệ thuật biểu diễn của các loại kịch, nhạc kịch, kịch ballet…
Vấn đề tác gia kỳ cựu đều đã có tuổi, việc phát hiện, phát triển những nhà viết kịch tài năng mới là một khó khăn mà toàn ngành đều thấy. Giới chuyên môn nhận định đây là nghề này đòi hỏi có tố chất thiên bẩm, cần được đào tạo bài bản, và được nhà nước phải đầu tư, cho đào tạo ở trung tâm nghệ thuật thế giới. Nghệ sỹ nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ Việt Nam cho rằng như vậy mới mong sân khấu Việt Nam mới dần bắt kịp bạn bè, không bị lạc hậu như hiện nay.
“Một điều nữa chúng tôi rất mong muốn được đầu tư về cơ chế chính sách, về chế độ thù lao tương ứng. Nếu chúng ta đặt ra chiến lược, hoạch định cụ thể thì sân khấu việt có thể cất cánh,” ông nói.
Ông Giang Mạnh Hà cũng cho biết Hội Nghệ sỹ Sân khấu hàng năm vẫn tổ chức sáng tác cho ba miền Bắc-Trung-Nam để có những vở diễn mới để bám sát hiện thực, hơi thở của cuộc sống, không né tránh hiện thực cuộc sống đặc biệt là trong vấn đề phát triển thế giới.
“Cái mà chúng tôi quan tâm đầu tiên là tác phẩm thực sự sâu sắc về nội dung tư tưởng, thực sự sâu sắc từ đời sống thì cần xuất phát từ kịch bản văn học, sau đó là đào tạo đạo diễn, diễn viên để có sự tiếp nối truyền thống, song làm bật nên những yếu tổ đổi mới,” ông Hà chia sẻ thêm.
Nói về chuyện tạo ra một thế hệ mới, tác giả mới, Nghệ sỹ ưu tú, diễn viên Hoàng Văn Tùng, chuyên viên Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục đã cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở rất nhiều lớp bồi dưỡng cho các thế hệ sau, mang đến cách nhìn nhận mới hơn để có thể mang theo hơi thở mới, bám sát với thực tại hơn./.