Trong hành trình đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng, các nghệ sỹ Việt sẽ công diễn hai tác phẩm kinh điển (vũ kịch “Hồ thiên nga” và nhạc kịch “Người tạc tượng”) vào các ngày từ 5-7/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Phiên bản “Hồ thiên nga” và “Người tạc tượng” ra mắt khán giả lần này cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng của các nghệ sỹ đương đại trong việc làm mới những tác phẩm quen thuộc.
Dấu ấn Việt trong “Hồ thiên nga”
Lần này, vở ballet kinh điển của thế giới “Hồ thiên nga” sẽ được các nghệ sỹ Việt Nam trình diễn hoàn chỉnh trên sân khấu. Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, các nghệ sỹ ballet Việt chưa thể trình diễn hoàn chỉnh tác phẩm này. Việc công diễn “Hồ thiên nga” ở Việt Nam mới chỉ dừng ở việc đưa các trích đoạn nhỏ lẻ lên sân khấu hoặc mời đoàn nghệ sỹ nước ngoài tới biểu diễn biểu diễn.
Năm 2019, các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã dàn dựng hoàn chỉnh tác phẩm kinh điển của Pyotr Ilyich Tchaikovsky.
“Đây là một quyết định táo bạo, đầy thách thức nhưng cũng là tâm huyết của tập thể nghệ sỹ VNOB. Dự án này không chỉ đòi hỏi sự đầu tư lớn về tiền bạc mà còn yêu cầu sự tập trung cao độ, lòng say mê, nhiệt huyết của hơn 60 nhạc công (dàn nhạc chơi live dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh) và hơn 60 diễn viên múa. Chúng tôi đã tập luyện suốt sáu tháng,” nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly - quyền Giám đốc VNOB chia sẻ.
[Chàng sinh viên Việt mong muốn quảng bá âm nhạc dân tộc trên đất Nga]
Về cơ bản, phiên bản “Hồ thiên nga” này vẫn được dàn dựng theo phong cách, trường phái ballet Nga. “Tuy nhiên, chúng tôi đã có một số chỉnh sửa, thay đổi để tạo nên dấu ấn riêng cho ‘Hồ thiên nga’ của người Việt. Một số chi tiết rườm rà sẽ được cắt bớt. Sự uyển chuyển, mềm mại của các nghệ sỹ đã thành danh và sự năng động, hoạt bát của các diễn viên trẻ sẽ được phát huy tối đa,” biên đạo múa Lê Ngọc Văn cho biết.
Đặc biệt, phục trang của các nghệ sỹ trình diễn “Hồ thiên nga” sẽ mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả. Đó là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Bên cạnh vẻ lộng lẫy theo phong cách hoàng gia Nga trước đây, những bộ trang phục này cũng mang vẻ bí ẩn, cuốn hút nhờ phần họa tiết trang trí (được lấy cảm hứng từ hình hoa sen Việt, cách tân theo phong cách baroque).
“Hồ thiên nga” được nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1875-1876. Tác phẩm ra đời dựa trên những truyện cổ tích Nga cũng như một truyền thuyết xa xưa của Đức kể về Odette - một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga.
Bên cạnh yếu tố lãng mạn, “Hồ thiên nga” cũng chứa đựng những suy tưởng, triết lý về lời thề, niềm tin, sự phản bội... Những cảnh hội hè được dàn dựng xen kẽ những cảnh bi kịch.
“Người tạc tượng” trở lại sau bốn thập kỷ
Trong khi đó, vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận ra mắt lần đầu tiên vào năm 1975. Sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian miền Trung, Tây Nguyên, nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết về cuộc sống, chiến đấu của quân dân chiến khu 5.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam) cho biết, sau hơn bốn thập kỷ, “Người tạc tượng” sẽ được dàn dựng lại với nhiều điểm mới để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện nay.
“Người tạc tượng sẽ không tập trung khai thác sâu các vấn đề liên quan đến cuộc chiến khốc liệt (những hy sinh mất mát, những đau thương bi tráng…). Thay vào đó, chúng tôi muốn kể câu chuyện tình trong thời khói lửa, khi tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu Tổ quốc,” nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
Bên cạnh nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (giữ vai trò biên tập, đạo diễn âm nhạc), êkíp dàn dựng “Người tạc tượng” còn bao gồm những nghệ sỹ tên tuổi hàng đầu của Việt Nam hiện nay: nghệ sỹ ưu tú Trần Lực - đạo diễn sân khấu, họa sỹ Hoàng Hà Tùng - thiết kế mỹ thuật, nghệ sỹ nhân dân Hồng Phong - biên đạo múa…
Cùng với đó, nghệ sỹ Mạnh Dũng, Tố Loan, Bùi Trang… sẽ tái ngộ khán giả qua những vai diễn trong “Người tạc tượng”./.