11 bài học rút ra từ giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh

11 bài học đã được rút ra về các đội bóng, các huấn luyện viên, các thủ môn hay cơ sở khoa học của các cú sút penalty...sau khi giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh kết thúc.
11 bài học rút ra từ giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh ảnh 1Các cầu thủ đội tuyển Đức vui mừng nâng cúp sau khi giành chiến thắng. (Nguồn:  AFP/TTXVN)

1. Argentina không quan tâm điều bạn nghĩ

Nhiều đội đã sử dụng lối chơi tự do, tốc độ kiểu Latinh mùa Hè này - ngay cả đội tuyển Anh. Nhưng Argentina lại chơi đầy thực dụng. Họ không bị thủng lưới lần nào trong vòng loại trực tiếp (trong thời gian 90 phút chính thức), họ không bị dẫn trước một lần nào và không quan tâm đến sự thiếu tôn trọng của người khác.

Hậu vệ Pablo Zabaleta cho rằng sức mạnh của họ là phá hoại đối phương, “gắn kết và chặt chẽ,” “ngăn cản đối phương” và được tiếp thêm sức mạnh chính từ sự tiêu cực. “Đôi khi nếu tất cả mọi người chống lại bạn, bạn sẽ cảm thấy thậm chí còn mạnh hơn nhiều lần.”

2. Cảm xúc mạnh mẽ sẽ đưa bạn đi xa

Một loạt màn trình diễn quả cảm đã không mang đến thành công vì những khoảnh khắc lạnh lùng - Thụy Sĩ, Mexico và Nigeria nằm trong số những đội thất bại vì những pha ghi bàn muộn; và Mỹ phải dừng chân trong hiệp phụ.

Nhưng cảm xúc mạnh mẽ mới là trung tâm của mùa Hè này: cơn rối loạn của Brazil, Serey Die của Cote d’Ivoire khóc khi chào cờ, Suarez chống lại tuyển Anh, Suarez cắn Chiellini, và cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của một đội tuyển âm ỉ trong nhiều năm - hành trình của tuyển Ghana được lưu dấu với một cuộc ẩu đả, trục xuất cầu thủ về nước, một chiếc máy bay chở đầy tiền và một cuộc điều tra.

3. Louis van Gaal là một người thích đánh cược

Quyết định thay thủ môn của huấn luyện viên van Gaal trong trận Hà Lan gặp Costa Rica đã mang lại kết quả xứng đáng: nó được coi là một hành động dũng cảm, không phụ thuộc vào tình cảm, một cách suy nghĩ độc đáo.

Đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho câu lạc bộ Manchester United (Anh): van Gaal sẵn sàng linh hoạt về chiến thuật, chuyển sơ đồ hàng thủ ở giữa trận, tạo điều kiện cho các pha bùng nổ và đối diện báo chí bằng một thái độ thẳng thắn. Ông không quan tâm đến trận tranh hạng ba, và cũng không ngại nói ra điều đó.

4. Kế hoạch cải cách của Đức tốt hơn của Anh

Công cuộc tái khởi động nền bóng đá của Đức vào năm 2002 đã được nhiều người biết tới - các học viện bóng đá với quota cho cầu thủ người Đức khiến nhiều cầu thủ nội được thi đấu tại đội hình chính ở Bundesliga. ở đó, các câu lạc bộ tồn tại theo mô hình sở hữu “50+1” nên không có chuyện một cá nhân mua lại được.

Ông Joachim Loew được chọn là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia với một mục tiêu dài hạn. Trong cùng khoảng thời gian đó, Liên đoàn bóng đá Anh đã sử dụng 4 huấn luyện viên khác nhau, mỗi vị huấn luyện viên này lại tự chọn và tập trung phát triển một nhóm cầu thủ tài năng - "nhặt" ra từ giải Ngoại hạng vốn đông đảo các huấn luyện viên và cầu thủ nước ngoài, trong khi các cơ sở bóng đá quần chúng thì "chết dần chết mòn."

5. Giải Ngoại hạng Anh và những bản hợp đồng hớ

Tiền đạo Bryan Ruiz được cho là không đủ chất lượng để thi đấu cho câu lạc bộ Fulham (Anh) trong cuộc đua trụ hạng mùa trước, do đó ban huấn luyện Fullham đã đẩy đi để nhường chỗ cho Kostas Mitroglou.

Thế nhưng, tại Brazil, Ruiz được tín nhiệm trao băng thủ quân đội tuyển Costa Rica và đã dẫn dắt đội bóng quả cảm này tiến vào vòng 1/8, thậm chí anh đã ghi hai bàn tại đấu trường World Cup. Cũng có một vị trí nổi trội trong đội hình "ngựa ô" của Costa Rica giống Bryan Ruiz là Joel Campbell - cầu thủ đang bị câu lạc bộ Arsenal (Anh) đem cho mượn.

Một số trường hợp khác cũng rất đáng lưu ý, đó là hậu vệ người Thụy Sĩ Johan Djourou bị Arsenal thải loại, cầu thủ Pablo Armaro của Colombia - bản hợp đồng mượn người thất bại của câu lạc bộ West Ham United (Anh); bộ đôi Rafik Halliche (từng chơi cho câu lạc bộ Fulham) và cầu thủ Algeria Carl Medjani (câu lạc bộ Liverpool), cựu cầu thủ của câu lạc bộ Tottenham Hotspur (Anh) Giovani dos Santos, cầu thủ Skrodan Mustafi của Đức vốn đã bị câu lạc bộ Everton (Anh) thải hồi năm 2012 và ngôi sao của tuyển Chile Gonzalo Jara - từng chơi cho câu lạc bộ West Brom (Anh). Ngay cả Gervinho cũng thi đấu thành công tại World Cup 2014.

6. Thủ môn giờ đây đã có địa vị mới

Danh sách cầu thủ xuất sắc của giải năm 2014 đầy bất ngờ về số lượng thủ môn: Tim Howard đang gây sốt khắp nước Mỹ, Keylor Navas của Costa Rica đang trong quá trình đàm phán với câu lạc bộ Bayern Munich (Đức), Guillermo Ochoa của Mexico với pha bắt bóng như của huyền thoại Gordon Banks trong trận gặp Brazil, Vincent Enyeama của Nigeria, Manuel Neuer của Đức, Sergio Romero của Argentina và thậm chí là cả Tim Krul của Hà Lan, người đã rất xuất sắc trong vai trò đóng thế.

7. 90 phút có thể thay đổi cả cuộc đời

Trước giải, DeAndre Yedlin không được các tuyển trạch viên châu Âu để ý. Thế nhưng, sau sự trình diễn tuyệt vời tại Brazil, hậu vệ cánh này đang nằm trong tầm ngắm của ba câu lạc bộ Italy là AS Roma, Inter Milan, Genoa, Liverpool (Anh) và Anderlecht (Bỉ).

Ông chủ câu lạc bộ Seattle Sounders (Mỹ) nói rằng ông không muốn bán Yedlin, nhưng mặt khác “vẫn luôn có một con số chấp nhận được”. Một số cầu thủ chưa mấy danh tiếng khác gồm có Memphis Depay của PSB Eidhoven (Hà Lan), Divock Origi của Lille (Pháp) và Jose Gimenez của Atletico Madrid (Tây Ban Nha).

8. Những cú sút penalty là có cơ sở khoa học

Các cú sút penalty của Hà Lan trước Costa Rica đầy lạnh lùng. Bốn ngày sau đó, hai cầu thủ của họ đã từ chối đá quả đầu tiên khi họ thua 2-4. Khoa học cho rằng đó không phải là trò may rủi.

Số liệu của World Cup từ nhà phân tích Robert O’Connor cho thấy: đội sút trước giành chiến thắng tới 60%, cầu thủ tuổi dưới 22 sút thành công 85%, người trên 22 tuổi hoàn thành nhiệm vụ khoảng 78%, các thủ môn ngả người thấp và cách xa trung tâm cầu môn tới 94% số lần bắt bóng. Nói chung một cầu thủ sút penalty lý tưởng phải trẻ, thuận chân trái, được chuẩn bị tốt trước khi sút và mặc áo đỏ.


9. FIFA thực sự có quyền lực

Khi có chuyện cực kỳ tồi tệ xảy ra, FIFA không hề lưỡng lự. Họ phạt Argentina 200.000 bảng Anh vì không cho đưa cầu thủ đến họp báo ba lần liên tiếp.

Trong khi ấy, Luis Suarez bị phạt 96.000 bảng vì cắn đối thủ. án cấm thi đấu anh bốn tháng là một cú đánh mạnh không ngờ vào đất nước Urugoay và bị Tổng thống nước này chỉ trích là “hành động phátxít.”

Pepe thì bị phạt 10.000 bảng vì cú húc đầu, Alex Song phải nộp 13.000 bảng sau một cú đánh cùi chỏ, còn Algeria phải chi ra 32.000 bảng vì fan của họ đã chiếu đèn laser trong trận đấu.

10. Thuê một nhà tâm lý không đem lại điều thần kỳ

Phái đoàn đội tuyển Anh tới Brazil có 72 người, trong đó có một bếp trưởng, một chuyên gia về cỏ và một nhà tâm thần học. Thế nhưng chuyến làm việc của họ tại Xứ sở Samba đã kết thúc chóng vánh chỉ sau 5 ngày.

Trong khi đó, đội bóng nước chủ nhà bị chỉ trích là quá yếu đuối, "ưa" khóc lóc. Liên đoàn bóng đá Brazil đã triệu khẩn cấp một nhà tâm lý để trấn an các cầu thủ trước trận gặp Colombia. Buổi trị liệu dường như chỉ có hiệu quả tức thời. Trận sau đó, tuyển Brazil gặp "Cỗ xe tăng" Đức và họ tiếp tục khóc than rền rĩ.

11. Ngã vờ hóa ra lại tốt

Với lối chơi phóng khoáng, ngã vờ là một lợi thế. Các cú ngã của cầu thủ nước ngoài đã gây ra tranh cãi ở Mỹ - nơi mà đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên Juergen Klinsmann, một người kịch liệt phản đối ngã vờ - không bao giờ phải viện đến chiêu trò đó.

Tờ USA Today gọi đó là “việc làm không phù hợp,” tờ Washington Post đưa ra lời cảnh báo: “Vậy bạn nghĩ bạn có thể ngã sao?”, Tờ Wall Street Journal thì gọi đó là “chiến thuật cũ nhất và đáng khinh nhất của bóng đá.” "Cầu thủ có đôi chân pha lê" Arjen Robben đã xin lỗi vì ngã vờ, nhưng sau đó anh vẫn diễn lại vở này.

Một vị phó chủ tịch FIFA chỉ trích cầu thủ ngã vờ đã làm xấu đi hình ảnh trong sáng của World Cup. Thế nhưng sâu khấu bóng đá sẽ bớt vui nếu không có những pha diễn đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục