11 nhóm giải pháp giúp hệ thống có ngân hàng lọt tốp lớn nhất châu Á

Mục tiêu của hệ thống ngân hàng là nâng cao năng lực cạnh tranh và đến cuối năm 2025 có ít nhất 2-3 ngân hàng trong tốp lớn nhất châu Á.
11 nhóm giải pháp giúp hệ thống có ngân hàng lọt tốp lớn nhất châu Á ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mục tiêu của hệ thống ngân hàng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tất cả ngân hàng thương mại trong giai đoạn hai sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.

Đó là nội dung của trọng tâm của hội nghị triển khai chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 11/4.

Triển khai đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết: Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 986/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược).

[Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu]

Cũng theo Phó Thống đốc, Chiến lược đã xác định mục tiêu hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước theo hướng có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả. Bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính, thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.

Chiến lược cũng chỉ rõ ngành ngân hàng cần thực hiện đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được phân chia thành 3 giai đoạn 2018-2020; 2021-2025 và 2026-2030.

Riêng với nhóm ngân hàng thương mại, mục tiêu của ngành ngân hàng ở giai đoạn đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất 1-2 ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á (về tổng tài sản). 

Ngành cũng kỳ vọng hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Ở giai đoạn hai, mục tiêu của hệ thống là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đến cuối năm 2025, hệ thống ngân hàng đặt mục tiêu ít nhất 2-3 ngân hàng trong tốp lớn nhất châu Á.

Tất cả ngân hàng thương mại trong giai đoạn hai sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Nhà điều hành cũng kỳ vọng sẽ thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.

11 nhóm giải pháp giúp hệ thống có ngân hàng lọt tốp lớn nhất châu Á ảnh 2Ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 2-3 ngân hàng nằm trong tốp lớn nhất châu Á. (Ảnh: TTXVN)

Đẩy mạnh công nghệ thông tin

Để triển khai thực hiện tốt và đạt được các mục tiêu đề ra tại Chiến lược, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị Vụ/Cục trong Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược; xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược cụ thể tại đơn vị theo các mục tiêu, giải pháp đã đề ra và đảm bảo đúng lộ trình; chủ động, sáng tạo triển khai hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược...

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết, trong giai đoạn tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong giai đoạn tới, thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn mực Basel II vào công tác thanh tra, giám sát và quy định về an toàn hoạt động đối với hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm tạo khuôn khổ, nền tảng và chuẩn mực an toàn cao hơn, tiệm cận các thông lệ quốc tế cho hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Là một trong những ngân hàng đi đầu về lợi nhuận cũng như tổng tài sản và đang phấn đấu là một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, ngân hàng này đưa ra 8 mục tiêu chiến lược.

Cụ thể, Vietcombank sẽ trở thanh ngân hàng số 1 bán lẻ và tốp 2 bán buôn; ngân hàng đứng đầu về quy mô và hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn trong nước và quốc tế; ngân hàng có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao nhất trong các tổ chức tín dụng trong nước; ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất và hiệu suất sinh lời gia tăng hàng năm; ngân hàng đứng đầu về mức độ hài lòng của khách hàng; ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực; ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất và ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số.

Còn ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho biết, trong 5 năm tới MB sẽ tập trung phục vụ nhóm khách hàng trẻ sinh năm 1980-1990 với giải pháp trọng yếu là ngân hàng số ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó MB xây dựng khối ngân hàng số riêng tập trung cho các tiện ích dịch vụ ngân hàng. Trên cơ sở đó, ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm quan trọng là MB app.

“Đối với MB app thì các khách hàng có thể sử dụng dịch vụ cơ bản nhất mà không cần đến ngân hàng từ dịch vụ thanh toán, thanh toán hóa đơn, tiết kiệm số. Hiện nay, MB là ngân hàng tiên phong đưa dịch vụ cho vay online lên kênh MB app. Chúng tôi liên kết với các đối tác quan trọng để khi sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng tiện lợi để thanh toán thì khách hàng có thể dùng QR code, sử dụng thẻ và sử dụng các hệ thống thanh toán hiện đại khác. Do đó, MB phấn đấu hàng năm có 1-2 triệu người dùng mới, hiện nay hệ thống MB đã có hơn 1 triệu khách hàng và các giao dịch thông qua hệ thống này đã chiếm trên 50% trên tổng giao dịch của ngân hàng,” ông Thái chia sẻ.

Đồng tình với các quan điểm trên, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho biết, về định hướng phát triển dài hạn, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code…

“Tương lai chúng tôi đặt mục tiêu và mong muốn tất cả các giao dịch thanh toán sẽ được thực hiện chỉ trên một chiếc điện thoại di động,” ông Dũng nói./.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ về chiến lược ngành ngân hàng đến năm 2025
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục