chữ ký ủng hộ các nạn nhân da cam đòi công lý

12,5 triệu chữ ký ủng hộ các nạn nhân da cam đòi công lý

Trong 10 năm qua, Hội nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã vận động được 12,5 triệu chữ ký ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân.
12,5 triệu chữ ký ủng hộ các nạn nhân da cam đòi công lý ảnh 1Nhân viên y tế giúp các em là nạn nhân chất độc da cam nhận biết màu sắc, hình dáng đồ vật qua trò chơi xếp hình tại cơ sở 3 ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2018) và lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/1/2004-10/1/2014) sẽ được tổ chức trong hai ngày 23-24/12, tại Hà Nội.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được tổ chức với tinh thần “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam.”

Đây là dịp để hội nhìn lại chặng đường đã qua, đề ra phương hướng hoạt động nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tiếp tục thúc đẩy hội phát triển vững mạnh.

Nhìn lại 10 năm hoạt động của hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vượt được một chặng đường có nhiều trở ngại, khó khăn và có những bước trưởng thành, phát triển nhanh, toàn diện, đúng hướng, trở thành một tổ chức tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Tổ chức hội đã được thành lập ở 59 tỉnh, thành phố; 552 huyện, quận; 5.880 xã, phường với hơn 315.000 hội viên. 33 tỉnh, thành hội đã thành lập được Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 20 tỉnh, thành hội đã xây dựng 24 cơ sở bán trú nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Hội vận động được 12,5 triệu chữ ký ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hội cũng đã vận động được gần 718 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để hỗ trợ xây nhà, sửa nhà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam; xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng; trao học bổng, tặng quà dịp lễ Tết; giải quyết việc làm và hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp bão lụt…

Các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân của hội đã góp phần tạo thành phong trào thường xuyên của cả nước, khắc phục hậu quả chiến tranh gây ra. Hội cũng là lực lượng chủ chốt, trực tiếp trên mặt trận đấu tranh và đã góp phần đáng kể tạo thành sức ép buộc Chính phủ Mỹ phải quan tâm hơn đến việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động của hội cũng còn một số hạn chế như: hiệu quả hoạt động của các cấp hội chưa đồng đều; một số tổ chức hội chưa nắm chắc tình hình nạn nhân; chưa tích cực tham gia đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân. Công tác tuyên truyền chưa được tiến hành thường xuyên; tuyên truyền đối ngoại chưa tập hợp được lực lượng quốc tế có khả năng huy động cao để ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam…/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục