Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 149.557 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 36 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc giảm 53,2%, số tử vong giảm 109 trường hợp.
Trong tuần 46/2023, cả nước ghi nhận 5.903 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong (so với tuần trước số mắc giảm 18,2%), trong đó, số nhập viện là 4.568 (so với tuần trước số nhập viện giảm 18,2%).
Thủ đô Hà Nội còn 176 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động
Các quận, huyện của Hà Nội có nhiều ổ dịch là Đống Đa với 12 ổ dịch, tiếp đến là Hai Bà Trưng (10 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch), các huyện: Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín - mỗi nơi có 6 ổ dịch…
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần từ ngày 10 -17/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua gồm: Thanh Oai với 209 ca, tiếp đến là Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca), Phú Xuyên (120 ca), Chương Mỹ (110 ca).
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.347 ca), Hoàng Mai (2.170 ca), Thanh Oai (2.087 ca), Phú Xuyên (2.041 ca), Đống Đa (1.928 ca), Thanh Trì (1.755 ca).
Đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3.
Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta, hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.
Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó có nhiều ca trong tình trạng nặng. Thông thường vào cuối mùa dịch sốt xuất huyết, tỷ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu mùa dịch.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm.
Thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.