TP.HCM: Dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết giảm, bệnh hô hấp tăng cao

Trong tuần từ ngày 6-12/11, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.561 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 452 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết.

Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: TTXVN phát)
Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: TTXVN phát)

Tháng 10 và đầu tháng 11, các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, bệnh hô hấp ở trẻ em lại có chiều hướng gia tăng và dự báo sẽ ở mức cao trong tháng 11.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 6-12/11, thành phố ghi nhận 1.561 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 18,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay là 37.993 ca.

Cũng nằm trong xu hướng giảm, trên địa bàn có 452 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 10,7% so với trung bình 4 tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 16.055 ca bệnh sốt xuất huyết.

Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11/2023 ổn định, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn tỷ lệ trung bình trong 5 năm qua.

Dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết sẽ duy trì ở mức thấp. Tương tự, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng đang có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn tỷ lệ trung bình trong 5 năm. Các bác sỹ dự đoán trong tháng 11 tới, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng vẫn sẽ vẫn duy trì ở mức cao.

Các bác sỹ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng năm nay có xu hướng kéo dài, do đó phụ huynh không nên chủ quan với bệnh.

Thực tế, tại các bệnh viện nhi đồng tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận những trường hợp tay chân miệng nặng nhập viện.

Điển hình, mới đây Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bé gái P.G.H (4 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) với diễn biến nguy kịch khi sốt cao, ngủ giật mình chới với, run yếu chi, có loét họng và chuyển sang biến chứng viêm cơ tim.

Do bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch nên các bác sỹ phải tiến hành lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Sau khi lọc máu liên tục 2 ngày, chạy ECMO 12 ngày, bé gái dần hồi phục và đã được xuất viện.

Trái ngược với các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tại các bệnh viện nhi đồng tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua ghi nhận tình trạng trẻ em mắc các bệnh hô hấp gia tăng.

Theo các bác sỹ, hiện là thời điểm giao mùa, cuối mùa mưa đầu mùa khô, thời tiết thay đổi thất thường nên trẻ em dễ mắc bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, khi trẻ đến trường thì bệnh càng dễ lây lan. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.500 trẻ đến khám các bệnh lý đường hô hấp, trong đó các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi có xu hướng tăng.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường khiến các loại vi khuẩn, virus phát triển tấn công trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch kém.

Do đó, phụ huynh cần tiêm phòng vaccine cho trẻ đầy đủ; chú ý chăm sóc trẻ, mặc áo thoáng mát vào ban ngày và giữ ấm vào ban đêm; cho trẻ ngủ đủ giấc, chế độ dinh dưỡng phù hợp, nghỉ ngơi hợp lý sau giờ học, giờ chơi và giữ môi trường sống sạch sẽ. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát triệu chứng, đưa trẻ đi thăm khám kịp thời nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục