Vận mệnh kinh tế Mỹ

2 vấn đề then chốt quyết định vận mệnh kinh tế Mỹ

Hai vấn đề then chốt với nền kinh tế Mỹ năm 2012 là giải quyết thâm hụt ngân sách quốc gia và cải thiện thị trường lao động.
Năm 2012 này là một năm then chốt đối với tương lai kinh tế và chính trị Mỹ, trong bối cảnh cuối năm sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống mà cả thế giới dõi theo. Đánh giá chung của giới phân tích là bên cạnh lĩnh vực đối ngoại, thì mặt trận kinh tế, trong đó có hai vấn đề rất quan trọng là giải quyết thâm hụt ngân sách quốc gia và cải thiện thị trường lao động sẽ là những ưu tiên hàng đầu của đương kim Tổng thống Barack Obama và các ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng, nhằm "ghi điểm" với các cử tri Mỹ.

Trong thông điệp liên bang 2012, bản thông điệp được coi là cương lĩnh tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Obama đã dành nhiều thời gian nhấn mạnh đến ba ưu tiên lớn gồm nâng cao năng lực sản xuất, tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng tái sinh và cải thiện hệ thống giáo dục - đào tạo. Biện pháp mà ông Obama đưa ra là tiếp tục hối thúc Quốc hội sớm thay đổi bộ luật thuế, theo đó các tập đoàn và tầng lớp những người giàu phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có ngân sách tăng đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội.

Ông Obama kêu gọi tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tiếp tục kêu gọi gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường cao tốc liên bang và hệ thống cầu cảng để tạo đà phát triển bền vững và lâu dài cho nền kinh tế Mỹ. Ông Obama đề xuất tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sinh viên vay tiền đi học, tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nhà đất, căn nguyên gây ra cuộc suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước mắt, Tổng thống Obama hối thúc Quốc hội sớm thông qua kế hoạch chi 447 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm.

Đây là bản kế hoạch đã bị phe Cộng hòa ngăn chặn trong năm 2011 vì trong đó bao gồm cả việc tăng thuế đối với người giàu. Ông Obama tiếp tục đề nghị trợ cấp cho các bang đang gặp khó khăn để duy trì đội ngũ giáo viên và những người lần đầu tiên có công ăn việc làm; gia hạn hết năm 2012 đạo luật thuế thu nhập thấp cho 160 triệu người lao động và các khoản trợ cấp cho những người bị thất nghiệp lâu đã kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 29/2 tới. Ông Obama đề xuất miễn thuế cho những công ty có sáng kiến đưa công ăn việc làm từ nước ngoài trở về Mỹ; thúc đẩy phát triển năng lượng sạch; cải thiện môi trường giáo dục, đào tạo nghề.

Như vậy, nhìn từ bản thông điệp liên bang năm 2012, người ta có thể nhận thấy hai khía cạnh rõ nét mà Tổng thống Obama muốn tập trung hướng tới là cân bằng cán cân ngân sách quốc gia trên cơ sở từng bước giảm "núi nợ công" khổng lồ, đồng thời thúc đẩy thị trường lao động Mỹ nhằm hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn, sau giai đoạn suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.

[FED sẽ bảo vệ kinh tế Mỹ trước khủng hoảng nợ]


Trên thực tế, vấn đề nợ công tại Mỹ đã được lên tiếng báo động từ lâu, thậm chí còn được xác định là một nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Kể từ trước năm 2003, nợ công của Mỹ mỗi năm tăng trung bình 500 tỷ USD. Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, nợ công của Mỹ tăng vọt lên 1.000 tỷ USD năm 2008, hơn 1.900 tỷ năm 2009 và 1.700 tỷ trong năm 2010.

Trong 8 năm thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, từ năm 2000 đến năm 2008, nợ công của Mỹ đã tăng từ 5.700 tỷ USD lên 10.700 tỷ USD, chủ yếu do các khoản chi khổng lồ cho hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Trong hơn 3 năm cầm quyền vừa qua của ông Obama, do tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế, nợ công của Mỹ lại tăng vọt, từ 10.700 tỷ USD lên mức 15.194 tỷ USD hiện nay, chiếm hơn 100% so với tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2011 ước tính khoảng 15.003 tỷ USD.

Nợ công của Mỹ dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh do thâm hụt lớn trong cán cân thu chi ngân sách liên bang hàng năm. Năm 2009, tổng mức thâm hụt ngân sách liên bang đạt con số kỷ lục 1.410 tỷ USD, năm 2010 thâm hụt 1.290 tỷ USD.

Kết thúc tài khóa 2011 vào cuối tháng 9/2011, chính quyền liên bang Mỹ bị thâm hụt ngân sách 1.299 tỷ USD, mức cao thứ hai trong lịch sử nước Mỹ và chỉ dưới mức kỷ lục 1.410 tỷ USD trong tài khóa 2009. Riêng trong tài khóa 2012 này, Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) vừa dự báo nước này đang tiến tới năm thứ tư liên tiếp bị thâm hụt ngân sách trên 1.000 USD. Cụ thể, thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2012 (kết thúc vào ngày 30/9/2012) có thể chạm ngưỡng 1.079 tỷ USD, so với mức dự tính 973 tỷ USD hồi tháng 8/2011. Nếu Quốc hội Mỹ gia hạn chương trình cắt giảm thuế cho người lao động tới hết năm 2012, thì thâm hụt ngân sách thậm chí có thể tăng thêm 100 tỷ USD nữa vào tháng 12/2012.

Báo cáo của CBO đã mở ra các cuộc tranh luận gay gắt về quy mô phù hợp của chính phủ liên bang trong những năm sắp tới và liệu tầng lớp giàu có trong xã hội nó nên gánh vác thêm những gánh nặng ngân sách cho quốc gia hay không. Các chuyên gia ngân sách cho rằng, con số dự báo của CBO đã gióng lên những hồi chuông báo động về vấn đề nợ của Mỹ và đe dọa tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này. Ngoài ra, sức ép đối với tình hình ngân sách của Mỹ còn có thể lớn hơn nếu chương trình cải cải tổ hệ thống y tế do Tổng thống Obama đề xuất năm 2010 phát huy hiệu lực. Nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa gọi báo cáo của CBO là "bản cáo trạng" đối với các chính sách kinh tế sai lầm của Tổng thống Obama, đồng thời là cơ hội để Đảng Cộng hòa phản công trước cuộc vận động bầu cử Tổng thống năm 2012.

Tuy nhiên, trên thị trường lao động, ít nhất đến thời điểm này, những thông tin tích cực ghi nhận Tổng thống Obama đang đi đúng hướng. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1/2012, kinh tế Mỹ đã tạo thêm được tổng cộng 243.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 155.000 việc làm của nhiều chuyên gia và đưa tỷ lệ thất nghiệp trong tháng giảm xuống 8,3% so với mức 8,6% của tháng 12/2011 và 9% của cả năm 2011. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Mỹ trong vòng 3 năm qua và cũng là tháng thứ 5 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ duy trì được đà giảm.

Cùng với cam kết duy trì mức lãi suất siêu thấp gần 0% tới năm 2014 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), rõ ràng kinh tế Mỹ đang chứng kiến những bước tiến khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn dễ tổn thương trước các rủi ro từ bên ngoài như chính lời thừa nhận của Chủ tịch FED Ben Bernanke, do nhiều chính phủ châu Âu đang ngập chìm trong cơn bão nợ công, chi phí vay mượn của các nước này tăng vọt vì các nhà đầu tư đánh mất niềm tin vào châu Âu và điều này cũng đã tác động mạnh tới các khoản vay của Mỹ./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục