Ngày 20/7, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư y tế Việt Cường làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Đây là Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ.
Bệnh viện được xây dựng trên khuôn viên 4.000m2, có 60 giường nội trú (sau đó sẽ mở rộng ra khoảng 200 giường), tổng kinh phí đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
Dự kiến tháng 10/2018, bệnh viện sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Phát biểu tại lễ khởi công, giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long chưa có bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ.
[Bệnh nhân nước ngoài tử vong sau khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện]
Vì vậy, Bệnh viện chuyên sâu cấp cứu, cạn thiệp đột quỵ được xây dựng tại Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nâng cao độ an toàn sức khỏe cho nhân dân khi rủi ro bị đột quỵ và giảm tải cho các bệnh viện khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác điều trị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ (tai biến mạch máu não), trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10.000 ca. Đột quỵ là bệnh luôn chiếm trung bình khoảng 10% số giường bệnh nội trú tại các bệnh viện lớn…
Đại diện chủ đầu tư, bác sỹ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh có tới 97% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến bệnh viện muộn sau 6 giờ phát bệnh, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị và gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Vì vậy, sự ra đời của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ ngoài là trung tâm điều trị chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chuyên sâu kỹ thuật cao, nghiên cứu giảng dạy trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh đột quỵ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.