2,9 triệu USD góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Qua dự án bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, USAIDS sẽ hỗ trợ Việt Nam bảo tồn đa dạng sinh học ven biển, tăng quản lý nguồn lợi biển hướng tới phát triển bền vững.

Quang cảnh lễ triển khai dự án. bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN )
Quang cảnh lễ triển khai dự án. bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN )

Ngày 15/3, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện lãnh đạo Cục Thủy Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, quan điểm phát triển ngành thủy sản là theo định hướng thị trường, thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân… đã được xác định tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của dự án là bảo vệ các hệ sinh thái ven biển quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, với các hoạt động tập trung ở hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng. Điều này nhằm giải quyết các thách thức và nâng cao hiệu quả quản lý ngành thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Từ đó, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng bằng sông Cửu Long và các hệ sinh thái ven bờ là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam, tạo sinh kế cho cộng đồng ven biển; đồng thời giảm tác động của thiên tai.

Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này và nhiều loài thủy sản có giá trị thương mại quan trọng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, gây tác động lâu dài đến sinh kế và cuộc sống nơi đây. Các vùng ven biển tại Việt Nam đang chịu áp lực lớn do tình trạng khai thác quá mức và phát triển chưa theo quy hoạch.

Với ngân sách 2,9 triệu USD; trong đó, gần 1,8 triệu USD dành cho hoạt động, dự án sẽ tập trung hỗ trợ giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án được thực hiện cùng các đối tác là các cơ quan trung ương của Việt Nam, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ban quản lý các khu bảo tồn biển, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân.

Theo Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs, lễ khởi động Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của USAID với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tiến sỹ Andrew Wyatt, Giám đốc Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giám đốc IUCN khu vực hạ lưu sông Mekong cho biết dự án sẽ thí điểm các biện pháp bảo tồn, khôi phục tài nguyên thiên nhiên tại Đồng bằng sông Cửu Long và có thể nhân rộng trên toàn quốc.

Dự án cũng sẽ triển khai các hoạt động tập huấn và nâng cao năng lực, khảo sát, phân tích chính sách cũng như mô hình trình diễn. "Chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác với chính quyền trung ương và địa phương để lồng ghép kết quả dự án vào các quyết định quy hoạch và đầu tư,'' Tiến sỹ Andrew Wyatt chia sẻ.

Các hoạt động của Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long tập trung ở hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng nhằm hỗ trợ địa phương giải quyết những tồn tại, thách thức trong quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên thuỷ sản, giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, môi trường và các hệ sinh thái thủy sinh.

Dự án đồng thời chú trọng tới chuyển đổi nghề, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ven biển. Các kết quả của dự án sẽ được nhân rộng sang các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các hội thảo, diễn đàn, hội nghị. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lợi thủy sản; tăng cường sức chống chịu vùng ven biển cho sự phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua dự án, USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ven biển, tăng cường quản lý nguồn lợi biển hướng tới phát triển nghề cá bền vững. Qua đó, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng ngư dân địa phương ven biển trước với tác động của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục