Tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi rừng ngập mặn tại vịnh Nha Trang

Hàng chục nghìn con giống thủy sản các loại đã được thả tại 3 địa điểm của Vịnh Nha Trang; những người tham gia lễ hội cũng trồng 2ha đước nhằm phục hồi lại rừng ngập mặn từng hiện hữu ở đây.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi rừng ngập mặn tại vịnh Nha Trang ảnh 1Thả các cá giống, hải sâm cát xuống biển vịnh Nha Trang. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Ngày 4/6, trong khuôn khổ chương trình Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa 2023 và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (ngày 1-8/6), Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với Câu lạc bộ Vịnh đẹp Nha Trang tổ chức Lễ hội thả tái tạo nguồn lợi thủy sản và trồng phục hồi rừng ngập mặn tại một số khu vực của vịnh Nha Trang.

Theo đó, có 12.000 con giống, gồm 7.000 con cá bè vàng, 2.000 con cá chim và 3.000 con hải sâm cát đã được thả tại 3 địa điểm, gồm Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, Bến Du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang và vùng mặt nước Vạn San Đảo tại Vega City Nha Trang.

[Nam Định thả 1 triệu con cá giống để tái tạo nguồn thủy sản]

Bên cạnh đó, những người tham gia lễ hội đã trồng 1,4ha đước tại khu vực Đầm Bấy (phường Vĩnh Nguyên) và 0,6ha đước ở ven sông Tắc (xã Phước Đồng), thành phố Nha Trang, nhằm phục hồi lại rừng ngập mặn từng hiện hữu ở đây.

Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507km2 với 19 hòn đảo lớn, nhỏ. Khu vực vịnh có khí hậu ôn hòa và quy tụ hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới như hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm có biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ.

Tuy nhiên, những năm qua, do tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa diễn ra khá nhanh; việc khai thác, đánh bắt thủy sản tùy tiện, ô nhiễm môi trường… đã làm đa dạng sinh học biển trong vùng vịnh Nha Trang bị suy giảm.

Nhiều khu vực bãi, rạn san hô tự nhiên, rừng ngập mặn vốn là nơi sinh sản, cư trú của các loài thủy hải sản bị hủy hoại nghiêm trọng.

Do đó, việc thả bổ sung các loài thủy sản hàng năm vào vịnh Nha Trang cũng như phục hồi, mở rộng diện tích rừng ngập mặn tại nhiều khu vực phù hợp góp phần thiết thực tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước phục hồi các hệ sinh thái điển hình; tăng cường bảo vệ môi trường ở khu vực vịnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục