3 ca tử vong do bạch hầu: Bộ Y tế yêu cầu tăng cường điều trị

Các cơ sở phát hiện ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bạch hầu cần ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm.
3 ca tử vong do bạch hầu: Bộ Y tế yêu cầu tăng cường điều trị ảnh 1Cán bộ y tế phát khẩu trang cho các em học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang). (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Ngày 18/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Đến nay, tại Hà Giang và tỉnh Điện Biên tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp và đã ghi nhận 3 ca tử vong.

[Điều trị kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu]

Nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm - bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Các đơn vị y tế cần rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Khi phát hiện các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu, các cơ sở y tế cần ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết; Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến; Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.

Các đơn vị y tế cần tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục