Thông tin về 4 dòng sản phẩm du lịch sẽ được ưu tiên phát triển trong thời gian tới được bà Đỗ Thị Thanh Hoa, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đưa ra tại Hội thảo: “Xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm Du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Tổng Cục Du lịch tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.
Theo bà Hoa, dòng sản phẩm này bao gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Bà Hoa cho biết, đối với từng loại sản phẩm sẽ có định hướng phát triển rõ ràng.
Cụ thể, dòng sản phẩm du lịch biển đảo tập trung phát triển hệ thống khu du lịch nghỉ dưỡng biển tham quan; bổ sung sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển...
Dòng sản phẩm du lịch văn hoá hướng tới sản phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội tham quan. Du lịch sinh thái chú trọng tới sản phẩm khám phá hang động, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Dòng sản phẩm du lịch đô thị khai thác giá trị văn hoá, lối sống đô thị, phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.
Đưa ra quan điểm về phát triển sản phẩm du lịch thời gian tới, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, việc xây dựng sản phẩm du lịch phải đạt tới mục tiêu nói tới Việt Nam, du khách nghĩ ngay tới sản phẩm đó. Ngoài hệ thống sản phẩm du lịch chính cần sản phẩm bổ trợ để đáp ứng đối tượng khách hàng khác nhau.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đã đề cập tới vấn đề phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng miền. Từ đó, giúp địa phương hoạch định sản phẩm phù hợp. Chiến lược này giúp doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm trong kế hoạch của từng doanh nghiệp.
Theo đánh giá của một số đại biểu tham dự hội thảo, hiện Việt Nam chưa có sản phẩm du lịch đặc thù tạo dựng được thương hiệu. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.
Bên cạnh đó, hệ thống công cụ quản lý chất lượng sản phẩm du lịch còn thiếu, chưa có sản phẩm cao cấp, phù hợp với các phân khúc thị trường chuyên biệt./.