Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố du lịch mang tầm quốc tế

Thành phố hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện; xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo.
Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố du lịch mang tầm quốc tế ảnh 1Các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch Đà Nẵng tại diễn đàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 25/3, Hiệp hội Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn du lịch Đà Nẵng mùa Xuân 2016 với sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực du lịch, các hãng lữ hành, các sở, ban, ngành liên quan...

Diễn đàn hướng đến giải quyết những bức xúc hiện nay của ngành du lịch thành phố, xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố du lịch mang tầm quốc tế.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung tọa đàm xung quanh chủ đề như hoạt động lữ hành, quảng bá du lịch và xây dựng môi trường phát triển du lịch bền vững; hoạt động lưu trú và các vấn đề liên quan; các dịch vụ để hấp dẫn du khách...

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường, mục tiêu của thành phố là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn năm năm tới (2016-2020); đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp.

Thành phố hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện; xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có sức cạnh tranh cao; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên và phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn bảo vệ môi trường. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đón 8 triệu lượt khách du lịch (trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu du lịch đạt 27.400 tỷ đồng.

Các giải pháp cụ thể được thành phố đặt ra là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng thông qua việc hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách; đầu tư phát triển các cụm dịch vụ du lịch biển, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, xem đây là sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao của du lịch thành phố trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, thành phố mở rộng không gian và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ khách tại Bà Nà-Suối Mơ; đưa vào hoạt động sân golf Bà Nà, Khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài, phát triển sản phẩm du lịch tại bán đảo Sơn Trà, đỉnh đèo Hải Vân…

Thành phố cũng phát triển du lịch đường sông và các điểm đến mới, đầu tư mới phương tiện, nâng cấp trang thiết bị trên tàu, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí để kéo dài ngày lưu trú của khách; nâng cao nhận thức cộng đồng, gìn giữ môi trường, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng nhanh và bền vững...

Đà Nẵng tiếp tục phổ biến bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch gắn với việc triển khai thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị; tăng cường công tác xử lý, hạn chế tiến tới xóa bỏ hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch và tình trạng ăn xin, ăn xin biến tướng trên địa bàn thành phố...

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, hy vọng sau Diễn đàn này, nhiều vấn đề khúc mắc sẽ được giải quyết, những ý tưởng tốt, hay sẽ được lưu ý và thôi thúc cộng đồng doanh nghiệp chung tay, góp sức bằng những việc làm thiết thực, thực sự vì sự phát triển chung của du lịch Đà Nẵng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, cho biết Hội mong muốn thành phố quan tâm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp địa phương phải được bảo đảm, hưởng lợi từ sự phát triển, tăng trưởng của thành phố.

Ông Dũng cũng đề xuất, về cơ sở hạ tầng cần nhanh chóng nâng cấp hoàn chỉnh sân bay Đà Nẵng, tăng năng lực phục vụ hành khách; đầu tư cảng chuyên dụng đón khách du lịch; phối hợp với tỉnh Quảng Nam nhanh chóng đề xuất nâng cửa khẩu Đak Ốc thành cửa khẩu quốc tế; khẩn trương hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc nối Đà Nẵng với các tỉnh lân cận.

Về hệ thống sản phẩm, Đà Nẵng cần được đặt trong mối quan hệ liên kết sản phẩm với Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế; xây dựng các sản phẩm mang bản sắc văn hóa Đà Nẵng; đầu tư có trọng điểm cho sản phẩm du lịch biển, du lịch trên sông Hàn, du lịch sinh thái Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân...

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam VITOURS, kiến nghị những giải pháp để thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm (từ tháng Chín đến tháng Hai năm sau). Theo đó, thành phố chỉ đạo và phối hợp các ngành triển khai các chính sách ưu đãi thiết thực đối với hai đối tượng khách chủ đạo của mùa này là khách du lịch MICE và khách quốc tế bằng cách hỗ trợ miễn phí show diễn cổ truyền đối với đoàn khách lớn (từ 50 khách) và lưu trú từ hai đêm; xem xét giảm 50% giá vé tham quan các điểm thuộc quản lý của thành phố cũng như vận động các doanh nghiệp điểm đến nếu khách có lưu trú tại Đà Nẵng.

Đối với khách lưu trú trong thời gian này, thành phố cần mạnh dạn triển khai chính sách miễn lệ phí visa và đơn giản hóa thủ tục như làm visa online hay thực hiện ngay tại cửa khẩu khi bay trực tiếp đến Đà Nẵng; quảng bá và vận động các hãng du lịch, các công ty lữ hành điều chỉnh lại chương trình du lịch có lưu trú tại Đà Nẵng với các ưu đãi như trên; xúc tiến đường bay đến các thị trường quốc tế trọng điểm đi du lịch vào mùa này như Australia, Châu Âu, Mỹ có thể transit qua các cửa ngõ lớn Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore…

Thành phố cũng chủ động tổ chức nhiều sự kiện phù hợp với khách du lịch thưởng lãm và khách tham gia sự kiện kết hợp du lịch vào mùa thấp điểm như hướng các sự kiện, nhất là sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao số đông và phù hợp với thời tiết mùa này của Đà Nẵng. Việc làm này sẽ thực sự góp phần thu hút du khách đồng thời giải quyết bài toán cung vượt cầu về cơ sở lưu trú.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục