Năm 2021 được coi là một năm dấu ấn trong quan hệ hợp tác Việt Nam và Thụy Sĩ khi hai nước cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021), kỷ niệm 30 năm Chương trình hợp tác và phát triển của Thụy Sĩ với Việt Nam (1991-2021).
Trong nửa thế kỷ hợp tác, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp của hai nước không ngừng phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber cho biết, ngày 1/8/2021, tất cả công dân Thụy Sĩ tự hào kỷ niệm 730 năm ngày thành lập quốc gia vào năm 1291.
Cũng từ ngày 4-6/8/2021, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Những sự kiện này chính là cây cầu kết nối tình hữu nghị giữa hai nước, góp phần để hai người bạn ở hai châu lục ngày càng gần nhau hơn.
Quan hệ chính trị tốt đẹp
Theo Đại sứ Ivo Sieber, Thụy Sĩ là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/10/1971. Tuy nhiên, mối quan hệ Thụy Sĩ-Việt Nam đã bắt đầu từ thế kỷ 19 khi một công ty thương mại của Thụy Sĩ tìm đến Việt Nam. Sau đó, nhà vi khuẩn học gốc Thụy Sĩ Alexandre Yersin đã dành phần lớn thời gian tại Việt Nam để nghiên cứu khoa học và ông trở thành “một công dân danh dự” tại đây.
Một sự kiện lịch sử nữa được Đại sứ Ivo Sieber nhắc tới, vào năm 1954, với tư cách là một quốc gia trung lập, Thụy Sĩ đã tổ chức Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương, trong đó Việt Nam có liên quan trực tiếp. Những trao đổi và kết nối ban đầu này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Nhờ có những nền tảng vững chắc đó, quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ từng bước tiến triển. Ngày 11/10/1971, Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Liên bang Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Tháng 2/1973, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Geneva và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15/12/1994. Ngày 28/1/2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại Thủ đô Bern.
[Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Thụy Sĩ]
Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó nổi bật về phía Thụy Sĩ thăm Việt Nam là chuyến thăm của Tổng thống Arnold Koller dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (11/1997); Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Pascal Couchepin (10/2002); Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin (8/2008); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sĩ Ivo Bischofberger (3/2017); Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Guy Parmelin (7/2019).
Phía Việt Nam thăm Thụy Sĩ là: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (1/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (5/2010); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự WEF tại Davos và hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ (1/2017); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Thụy Sĩ (9/2017); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-138) (3/2018); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (1/2020).
Kinh tế - điểm nhấn hợp tác
Điểm nhấn trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ thời gian qua là hợp tác kinh tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sĩ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gần gấp 1,5 đến 2 lần xuất khẩu, ngoại trừ năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Thụy Sĩ là 2,28 tỷ USD (tăng 811,1%) do Thụy Sĩ nhập khẩu đột biến mặt hàng vàng và kim loại quý từ Việt Nam.
Đây cũng là mặt hàng khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ biến động tương đối lớn qua các năm.
Kể từ năm 2020, thương mại song phương giữa hai nước cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 của hai nước đạt 863,5 triệu USD, giảm 62,14% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Sĩ đạt 269,32 triệu USD, giảm 82,75% so với năm 2019.
5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 364,78 triệu USD, giảm 7,46 % so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 77,22 triệu USD giảm 48,3 %; nhập khẩu đạt 287,56 triệu USD tăng 17,46 % so với cùng kỳ năm 2020.
Trong lĩnh vực đầu tư, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Thụy Sĩ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đầu tư của Thụy Sỹ chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương của Việt Nam. Đa số các nhà đầu tư Thụy Sĩ lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá về hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước, Đại sứ Ivo Sieber khẳng định, Việt Nam rất thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và là một đối tác hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Đại sứ cũng cho rằng, những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 yêu cầu các phương thức hợp tác mới hướng tới tăng trưởng bao trùm và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Cá nhân Đại sứ chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ mới nhằm không chỉ giải quyết các thách thức về môi trường mà còn đảm bảo nền kinh tế tiếp tục mang lại việc làm và thu nhập. Một lĩnh vực khác theo Đại sứ, là thúc đẩy hòa bình và hòa giải.
“Tôi cũng thấy nhiều cơ hội tốt cho Việt Nam và Thụy Sĩ hợp tác cùng nhau, học hỏi lẫn nhau, cùng tiến bộ và đóng góp cho hòa bình thế giới,” Đại sứ Ivo Sieber đề cập.
Đa dạng lĩnh vực hợp tác
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Thụy Sĩ đã có những bước hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch đến khoa học-kỹ thuật...
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Thụy Sĩ. Thụy Sỹ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.
Ở mảng văn hóa-du lịch, hai bên có một số hoạt động trao đổi các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tại hai nước. Năm 2019, Việt Nam đón 36.577 lượt khách Thụy Sĩ đến thăm, tăng 5,9% so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2020 hoạt động du lịch giữa hai nước bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, hai nước đã ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam-Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ gồm khoảng 12.000 người, có mặt ở hầu hết các bang, tập trung đông ở các thành phố lớn như Geneva, Zürich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg. Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ được thành lập từ năm 2010. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hòa nhập tốt, chăm chỉ và được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Trong quá trình hợp tác, hai nước đã ký kết một số hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000); Hiệp định khung về hợp tác phát triển (2002); Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ II (2002); Thỏa thuận dự án Việt Nam-Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ (2007); Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2011); Biên bản thúc đấy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin giữa Hải quan hai nước (2015); Hiệp định về vận chuyển hàng không (2018); Hiệp định về Bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (2018)...
Cho rằng chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Ngài Ignazio Cassis, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Thụy Sĩ vào ngày 4-6/8 tới không chỉ tô đậm thêm mối quan hệ bền chặt và lâu dài mà còn nêu bật lên tình đoàn kết hữu nghị của Thụy Sĩ với Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đầy thách thức này, Đại sứ Ivo Sieber nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã tạo ra vô số thách thức cho cả Việt Nam và Thụy Sĩ. Hai nước đã và đang tiếp tục có những bước tiến dài để đương đầu với những thách thức này và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong khi nỗ lực hết sức để giữ cho nền kinh tế vận hành.
Khó khăn vẫn còn ở phía trước và sự hợp tác dưới mọi hình thức là chìa khóa để vượt qua những thách thức toàn cầu. Mối quan hệ đối tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đang diễn ra tốt đẹp và cũng sẽ tiếp tục phát triển như vậy trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
"Quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đã và đang có những thành tựu đầy ấn tượng. Những gì chúng ta cùng nhau đạt được là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác bền vững hơn và chặt chẽ hơn trên con đường phía trước,” Đại sứ Ivo Sieber một lần nữa khẳng định./.