Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước ASEAN.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Thụy Sĩ ảnh 1Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan. (Nguồn: TTXVN phát)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021) và kỷ niệm 30 năm chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sĩ đối với Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan.

Đánh giá về tiềm năng thúc đẩy quan hệ song phương, Đại sứ Lê Linh Lan cho biết trong suốt chiều dài lịch sử nửa thế kỷ mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã không ngừng phát triển tích cực trên tất cả các mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục-đào tạo.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao nhân dịp Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos.

Cơ chế tham vấn chính trị và đối thoại nhân quyền định kỳ song phương là một trong những trụ cột hợp tác ngoại giao, chính trị quan trọng.

[Thúc đẩy tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ]

Việt Nam và Thụy Sĩ cũng hợp tác hiệu quả, ủng hỗ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).

Hai nước đã có thỏa thuận ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, đáng chú ý là ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Thụy Sĩ nhiệm kỳ 2023-2024).

Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam ủng hộ Thụy Sĩ trở thành đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN từ năm 2016. Hai bên cũng phối hợp tích cực trong khuôn khổ hợp tác ASEM.

Hai bên chia sẻ quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế như việc đảm bảo hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Cùng với sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, hợp tác kinh tế song phương đã tiến triển mạnh mẽ, nhưng tiềm năng và dư địa phát triển vẫn còn rất lớn. Thương mại song phương tăng trung bình 15-20% mỗi năm.

Kim ngạch thương mại song phương có bước phát triển vượt bậc năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng hơn 200% so với 2018.

Thụy Sĩ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước ASEAN.

Về đầu tư, tính đến năm 2020, Thụy Sĩ có 152 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, đứng thứ 19/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam và hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại nước này.

Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp của Thụy Sĩ đang kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, dược phẩm, phân phối điện, khí, trong đó có thể kể đến những tập đoàn lớn như Nestlé, Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng)...

Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, Thụy Sĩ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao.

Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của nước này.

Thụy Sĩ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong chuyến thăm Thụy Sĩ của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh hồi tháng 10/2019.

Đánh giá về tính khả thi của việc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến nhiều mặt của tình hình kinh tế thế giới, Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng Việt Nam và khối EFTA bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein đã trải qua hơn 8 năm (bắt đầu từ 2012) và 16 phiên đàm phán chính thức về FTA.

Mặc dù lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh thiện chí và thể hiện mong muốn sớm kết thúc đàm phán, song hiện vẫn còn một số khác biệt trong giai đoạn đàm phán được coi là cuối cùng này.

Trong bối cảnh Thụy Sĩ ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam, đánh giá Việt Nam là tấm gương nổi bật kiểm soát tốt đại dịch, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế năng động, đặc biệt là vị thế hội nhập sâu rộng của Việt Nam sau việc ký kết FTA với Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ, lãnh đạo Thụy Sĩ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đẩy nhanh đàm phán, hướng tới sớm ký FTA giữa Việt Nam và EFTA để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của cả hai nước, khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với cả hai nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này.

Hai bên đã thống nhất đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm hoàn tất việc ký hiệp định trên trong năm 2021 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Thụy Sĩ ảnh 2Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Hội nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Chia sẻ những ấn tượng sâu sắc và điểm lại một số dấu mốc chính trong 50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Linh Lan đã bày tỏ ấn tượng về việc hai nước đã có sự khởi đầu tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, về tần suất trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, ấn tượng về 30 năm hành trình hợp tác phát triển song phương.

Bà nhấn mạnh là một nước công nghiệp phát triển ở trình độ cao, các dự án hợp tác phát triển của Thụy Sĩ đã và đang đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đang trên con đường trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực và hiệu quả, tăng trưởng có chất lượng để đảm bảo tính bền vững (tăng trưởng có hiệu suất, xanh, bao trùm).

Về thông điệp trong năm cột mốc 2021, Đại sứ Lê Linh Lan nêu rõ bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó lường.

Đại dịch COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện quốc tế, tác động đáng kể tới môi trường an ninh và phát triển của các nước vừa và nhỏ như Thụy Sĩ và Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, năm 2021 là dịp đặc biệt ý nghĩa để hai nước vui mừng kỷ niệm hành trình nửa thế kỷ của một mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt.

Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ thương mại đầu tư, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ giữa hai nước để góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Bà bày tỏ tin tưởng rằng cơ hội và động lực phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn trong bối cảnh vị thế của Việt Nam được nâng cao trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu khi hội nhập ngày càng sâu rộng, có vai trò dẫn dắt và tham gia tích cực vào một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP.

Việc sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EFTA sẽ là một cú hích quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao từ Thụy Sĩ vào Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Thụy Sĩ như phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những thập kỷ tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục