71 cá thể rùa quý hiếm từ châu Âu "bay" về Việt Nam

Tin từ Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) vừa cho biết, hôm nay (19/8) vườn đã tiếp nhận 71 cá thể rùa Trung Bộ trở về từ châu Âu.
Thông tin từ Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) vừa cho biết, hôm nay (19/8) vườn đã tiếp nhận 71 cá thể rùa Trung Bộ trở về quê hương sau một chuyến đi dài từ châu Âu-nơi hai Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Münster (Đức) đã nhân nuôi thành công loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Theo đó, 71 cá thể rùa này sẽ được đoàn tụ với hơn 200 cá thể rùa khác đã được thu giữ từ những vụ buôn bán trái phép, do người dân tự nguyện chuyển giao hoặc được sinh ra tại Trung tâm Bảo tồn rùa.

Ông Bùi Đăng Phong, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn rùa biết: “Hiện nay, số lượng của loài rùa này trong tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng do tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép và mất môi trường sống. Vì vậy, trách nhiệm của Việt Nam là phải tích cực bảo vệ loài rùa đặc hữu này khỏi nạn săn bắt, buôn bán trái phép và đảm bảo rằng chúng ta sẽ không mất thêm một loài động vật đặc hữu quý hiếm nào nữa."

[Quảng Ngãi: Xây dựng dự án bảo tồn rùa Trung Bộ]


Rùa Trung Bộ (tên khoa học: Mauremys annmensis) là rùa nước ngọt đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam. Loài rùa này thường sinh sống ở suối và đầm lầy, nơi nước chảy chậm và tĩnh tại khu vực miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ông Henk Zwartepoorte, Phụ trách quản lý các loài bò sát của Vườn thú Rotterdam cho biết: "Chúng tôi rất tự hào đã đóng góp vào công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm của Việt Nam đồng thời giúp các cá thể rùa Trung Bộ được trở về quê hương. Mặt khác, chúng tôi cũng rất tin tưởng vào những sáng kiến của Việt Nam và những nỗ lực mang tính toàn cầu nhằm giúp loài rùa đặc hữu của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong tự nhiên.”

Ở góc độ khác, ông Timothy Mc Cormack, Điều phối Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á và dự án Bảo tồn rùa Trung Bộ cũng khẳng định rùa Trung Bộ của Việt Nam đã được thế giới công nhận là loài cần phải ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo tồn.

“Mặc dù, rùa Trung Bộ có thể sống trong môi trường nuôi nhốt, song chúng ta cần thiết phải bảo vệ loài này để chúng có thể tiếp tục được tồn tại trong tự nhiên,” ông Timothy Mc Cormack nhấn mạnh./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục