80 học giả, phóng viên tham dự hội thảo về Biển Đông tại Áo

Khoảng 80 người là đại diện cơ quan ngoại giao, giới học giả, phóng viên dự và đưa tin về Hội thảo về Biển Đông, tổ chức ngày 13/6, ở Học viện Ngoại giao Áo.
80 học giả, phóng viên tham dự hội thảo về Biển Đông tại Áo ảnh 1Đại sứ Nguyễn Thiệp phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Ngày 13/6 tại Học viện Ngoại giao Áo tại Vienna (Áo) đã diễn ra hội thảo “Xung đột ở Biển Đông: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines” dưới sự chủ trì của giáo sư Helmut Kramer, giáo sư bộ môn Khoa học chính trị Đại học Vienna.


Hội thảo có sự tham gia của khoảng 80 nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội, sinh viên, kiều bào Việt Nam và Trung Quốc.

Tiến sỹ Alfred Gerstl, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Vienna đã có một bài trình bày chi tiết, điểm lại lịch sử vấn đề Biển Đông, nội dung yêu sách của các nước liên quan trong khu vực, những diễn biến gần đây và nêu lên một số khả năng dự báo.

Theo tiến sỹ Alfred Gerstl yêu cầu chủ quyền của các nước và tranh chấp ở biển Đông vốn được nhiều nước khu vực nêu ra từ vài thập kỷ nay, thậm chí từ tháng 3/2013 đã diễn ra một số vụ đụng độ giữa Trung Quốc và các nước có liên quan nhưng chỉ từ một tháng nay tình hình đã trở nên đột ngột căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shinyou 981) vào vùng biển Việt Nam.

Điểm lại yêu sách của tất cả các nước và bên liên quan trên Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Brunei, tác giả cho rằng yêu sách của Trung Quốc là mập mờ nhất và khu vực đường 9 đoạn của Trung Quốc chiếm tới 85% diện tích của Biển Đông, đụng chạm tới tất cả các nước trong khu vực, yêu sách của Philippines lại nhấn mạnh sự chiếm đóng thực tế trong khi yêu sách của Việt Nam nhấn mạnh các cơ sở pháp lý của vấn đề.

Các yêu sách này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là dự trữ dồi dào về dầu, khí và khoáng sản ở Biển Đông cũng như vị trí then chốt trên con đường vận chuyển tới 80% nhu cầu dầu khí của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan do Trung Quốc ngày càng lệ thuộc lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài nên tìm kiếm các nguồn dự trữ dầu khí mới cho nhu cầu phát triển. Đây cũng là khu vực đánh cá truyền thống của các nước ven bờ.

Sau khi điểm quy định pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 về đường cơ sở, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và địa vị pháp lý của các đảo trên Biển Đông, tiến sỹ A. Gerst cho rằng đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng nhất làm cơ sở để giải quyết tranh chấp yêu sách chủ quyền.

Tiến sỹ A.Gerstl cho rằng ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực và vấn đề Biển Đông vì ASEAN tập hợp hầu hết các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, đã có nhiều hoạt động đa dạng hóa quan hệ với các đối tác của khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc, Ấn Độ, Australia và nhất là Thỏa thuận DOC năm 2002 về ứng xử của các bên ở biển Đông với Trung Quốc.

Về những diễn biến gần đây, tiến sỹ A. Gerstl nói rõ không có nước nào ủng hộ hành động của Trung Quốc, trong khi Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, EU …đều tỏ lo ngại về hành vi của Trung Quốc. Ông cũng đánh giá cao sự kiên nhẫn và cách xử sự khéo léo của Việt Nam trong việc tránh đụng độ với Trung Quốc, giữ gìn hòa bình khu vực.

Theo ông A. Gerstl, việc giải quyết tình hình ở Biển Đông đòi hỏi các nước phải kiềm chế, thông qua thương lượng, trên cơ sở luật pháp quốc tế và phải có nhân nhượng chính trị và cần có sự hỗ trợ và ủng hộ của các nước ngoài khu vực.

Ông A. Gerstl dự báo đưa ra 3 kịch bản cho tình hình ở Biển Đông như sau, một là, các nước vì thể diện sẽ tiếp tục duy trì yêu sách cao của mình nhưng kiềm chế, tránh xung đột vũ trang và sẽ dần xuống thang trong 2-3 năm tới; hai là, do “sơ suất, một nước có thể sử dụng vũ lực, căng thẳng leo thang, trở thành xung đột thực sự, tuy nhiên rất ít khả năng diễn ra vì hậu quả khó lường đối với thế giới và khu vực; ba là, ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước liên quan, bằng các cơ chế mà ASEAN đã có với sự tham gia và hỗ trợ của các nước ngoài khu vực.

Khả năng thứ ba còn rất xa vời nhưng “có lẽ mong muốn và khả thi hơn cả” vì ASEAN gồm hầu hết các nước tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và hiện đã có nhiều cơ chế hợp tác với khu vực và với các đối tác ngoài khu vực. Tuy nhiên, việc thống nhất thái độ với Trung Quốc trong ASEAN cũng sẽ còn là một vấn đề.

80 học giả, phóng viên tham dự hội thảo về Biển Đông tại Áo ảnh 2Các đại tham dự Hội thảo. (Ảnh: Thanh Hải/Vietnam+)

Được mời phát biểu tại phần thảo luận sau trình bày, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Thiệp đã cung cấp thông tin cập nhật và nêu rõ căng thẳng ở Biển Đông là do hành động đơn phương của Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Đại sứ Nguyễn Thiệp, ngay từ đầu Việt Nam đã thực hiên chủ trương giải quyết hoà bình trên cả thực địa lẫn trong giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc. Thế nhưng đáp lại cố gắng đó của Việt Nam, Trung Quốc đã đưa một số lượng lớn tàu hộ tống trong đó có cả tàu quân sự, đâm va, phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, nghiêm trọng hơn đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam, làm một ngư dân thiệt mạng.

Đại sứ Nguyễn Thiệp nhấn mạnh Việt Nam đã và sẽ kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông nhưng cũng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền thiêng liêng của mình như lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã chứng minh.

Đại sứ Nguyễn Thiệp cảm ơn sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội tại hội thảo, thể hiện sự quan tâm, lo lắng đối với Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Thiệp bày tỏ mong muốn dư luận Áo và các nước EU sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ việc giải quyết hoà bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Trong phần hỏi đáp, do có nhiều câu hỏi lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông, nguy cơ một cuộc xung đột khu vực, về khả năng giải quyết pháp lý bằng Tòa án quốc tế về luật biển, toàn bộ tài liệu nghiên cứu được tiến sỹ A.Gerstl trình bày tại hội thảo đã được đưa lên trang Web của Hội Hữu nghị Áo-Việt để tiếp tục tra cứu và sử dụng. Cuộc Hội thảo khoa học về biển Đông được tổ chức theo sáng kiến của Hội hữu nghị Áo-Việt tại Học viện Ngoại giao Áo (Vienna) , nơi thường xuyên diễn ra các cuộc thảo luận, hội thảo về các vấn đề thời sự quốc tế, đã đáp ứng đúng nhu cầu của dư luận Áo và thành công ngoài mong đợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục