81 nước tăng gấp đôi đầu tư phòng chống HIV/AIDS

Từ năm 2006 đến năm 2011, đã có 81 nước trên thế giới tăng hơn 50% đầu tư trong nước để phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Ngày 18/7, Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2011, có 81 nước trên thế giới đã tăng hơn 50% đầu tư trong nước để phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Trong đó các nước khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi, trừ Nam Phi, đã tăng đầu tư tới 97%, Nam Phi tăng đầu tư gấp 4 lần.

Các nước trong khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng chi tiêu công trong nước chống HIV/AIDS hơn 120%.

Đầu tư quốc tế phòng chống HIV/AIDS vẫn giữ ở mức 8,2 tỷ USD của năm 2008.

Báo cáo của UNAIDS nhấn mạnh trong khi đầu tư quốc tế giảm mạnh, nhờ nhiều nước đang tăng đầu tư trong nước chống HIV/AIDS, số người ở các nước thu nhập thấp và trung bình được điều trị căn bệnh thế kỷ này đã đạt kỷ lục 8 triệu người trong năm 2011, tăng 1,4 triệu người so với năm 2010.

Tuy nhiên, số người nhiễm HIV toàn cầu được điều trị vẫn chỉ ở mức 54% so với tổng số 14,8 triệu người cần được điều trị trong năm 2011.

Cũng trong năm 2011, trên thế giới có tới 34,2 triệu người sống chung với AIDS trong đó 2,5 triệu ca nhiễm mới, 1,7 triệu người tử vong vì AIDS.

Tổng Giám đốc UNAIDS, Michel Sidibé, khẳng định thời kỳ hiện nay là kỷ nguyên đoàn kết và trách nhiệm chung toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.

Các nước bị tác động lớn nhất của căn bệnh thế kỷ đã chủ động đầu tư và thể hiện vai trò hàng đầu trong phản ứng chống HIV.

Tuy nhiên, ông Sidibé nhấn mạnh sự trợ giúp quốc tế chưa đủ để duy trì xu thế này một cách ổn định nhằm đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015.

Châu Phi đã khởi động Lộ trình chia sẻ trách nhiệm và đoàn kết toàn cầu chống AIDS, lao phổi và sốt rét toàn châu Phi trước Hội nghị quốc tế về AIDS sắp diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ.

Điều phối viên về phòng chống AIDS của Mỹ, Eric Goosby, nhấn mạnh thế giới không còn thời gian nếu không tăng cường các nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 nhằm tạo ra một thế hệ công dân mới không có HIV.

Mỹ tiếp tục cam kết chia sẻ trách nhiệm thông qua đầu tư thông minh để mỗi đôla đầu tư có thể cứu được nhiều bệnh nhân HIV/AIDS.

Đóng góp của Mỹ cho quỹ phòng chống HIV/AIDS toàn cầu hiện chiếm gần 50%.

Ông kêu gọi các nước tăng đóng góp cho quỹ này nhằm đáp ứng mục tiêu tăng quỹ lên 22-24 tỷ USD như lãnh đạo các nước đã cam kết trong Tuyên bố chính trị của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2011, nhằm loại trừ các ca nhiễm HIV mới ở trẻ em và 15 triệu người nhiễm HIV được điều trị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục