Trong số 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu có tới 9 doanh nghiệp đang nợ thuế nhập khẩu với số tiền lên tới hơn 297 tỷ đồng; trong khi đó chỉ có 2 doanh nghiệp không nợ thuế và 2 doanh nghiệp không nợ thuế quá hạn.
Những con số này vừa được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính công bố trong cuộc họp về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất chiều nay, 5/9.
Theo đó, trong số 9 doanh nghiệp đang nợ thuế, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang là đơn vị dẫn đầu với số tiền lên tới hơn 130 tỷ đồng. Trong đó, riêng loại hình tạm nhập, tái xuất, Petrolimex đã nợ hơn 82 tỷ đồng. Gần 50 tỷ đồng còn lại, theo thống kê của Tổng cục Hải quan là khoản nợ với loại hình nhập khẩu kinh doanh.
Đứng thứ hai trong danh sách nợ là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam với số tiền lên tới hơn 87 tỷ đồng.
Theo báo cáo, đơn vị này đang có số nợ theo loại hình tạm nhập tái xuất xăng, dầu là hơn 42,6 tỷ đồng và hơn 46,98 tỷ đồng thuế xăng, dầu nhập để kinh doanh.
Tổng công ty xăng dầu Quân đội cũng là cái tên được Tổng cục Hải quan nhắc tới trong danh sách nợ thuế xăng, dầu. Tổng số nợ thuế xăng, dầu của đơn vị này tính tới ngày 4/9 là hơn 51 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ loại hình tạm nhập, tái xuất xăng, dầu với hơn 50,9 tỷ đồng.
Những đơn vị có mặt trong danh sách nợ thuế của Tổng cục hải quan còn có Tổng công ty dầu Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần dầu khí Mê kông…
Hai doanh nghiệp hiện không còn nợ thuế là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực Hiệp Phước.
Thống kê về tình hình tạm nhập tái xuất từ 1/1/2009 đến 31/6/2012 của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, Petrolimex đã có lượng xăng tạm nhập là hơn 899 nghìn tấn. Trong khi đó, lượng hàng tái xuất chỉ là 763 nghìn tấn. Như vậy, khối lượng xăng tạm nhập nhưng chưa tái xuất của Petrolimex lên tới hơn 136 nghìn tấn, tương đương hơn 40,9 triệu USD.
Tương tự, Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông cũng có khối lượng xăng tạm nhập cao hơn mức tái xuất là 48,5 nghìn tấn, tức là khoảng hơn 35 triệu USD. Lượng dầu diesel đơn vị này tạm nhập nhưng chưa tái xuất cũng ở mức hơn 110 nghìn tấn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hàng không Việt Nam thậm chí có mức chênh lệch giữa xăng máy bay tạm nhập và tái xuất lên tới 164,8 nghìn tấn. Khối lương xăng tạm nhập nhưng chưa tái xuất của công ty này cũng là 10,9 nghìn tấn.
Ngoài ra, những đơn vị cũng được nhắc tên bao gồm: Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội, Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Tổng công ty dầu Việt Nam, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt, Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex…/.
Xuân Dũng (Vietnam+)