ABB cảnh báo "cơn gió ngược" khi kinh tế toàn cầu chậm lại

Ngày 22/10, Tập đoàn cơ khí Thụy Sĩ ABB cảnh báo về "cơn gió ngược" do nền kinh tế toàn cầu chậm lại, cho dù đơn đặt hàng trong quý 3 tăng.
ABB cảnh báo "cơn gió ngược" khi kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh 1Tập đoàn cơ khí Thụy Sĩ ABB nằm ở phía Tây Zurich, Thụy Sĩ. (Nguồn: reuters)

Ngày 22/10, Tập đoàn cơ khí Thụy Sĩ ABB đã cảnh báo về "cơn gió ngược" do nền kinh tế toàn cầu chậm lại, cho dù số đơn đặt hàng trong quý 3 vừa qua của tập đoàn này tăng lên nhờ các hợp đồng lớn trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng, dầu mỏ và khí đốt.

Tuy nhiên, lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín năm nay của ABB lại giảm 12% xuống còn 734 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cũng giảm 7% xuống 9,8 tỷ USD do tăng trưởng yếu ở châu Âu cộng thêm với dịch bệnh Ebola.

Mặc dù có dấu hiệu tích cực ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc, song trong giai đoạn ngắn hạn, những diễn biến kinh tế vĩ mô và địa chính trị đang báo hiệu một bức tranh hỗn hợp với bất ổn gia tăng. Thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng chậm chạp ở châu Âu, xung đột chính trị ở nhiều nơi trên thế giới cũng với tình hình dịch bệnh ở châu Phi.

Giám đốc điều hành của ABB Ulrich Spiesshofer đã lưu ý điểm tích cực là số đơn đặt hàng mới của công ty đã tăng 24% so với quý 3/2013, lên 11,2 tỷ USD nhờ vào một thỏa thuận lớn ở nước Anh với trị giá tới 2,1 tỷ USD của Chi nhánh Power System, song sự chậm chễ trong các dự án năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió lại gây nhiều tốn kém.

Trước xu hướng lợi nhuận đi xuống, hồi đầu năm ABB đã đưa ra một số quyết định điều chỉnh, bao gồm những thay đổi cung cách quản lý và tạm ngừng hồ sơ dự thầu cho các dự án năng lượng Mặt Trời, các dự án mua sắm và xây dựng.

Ông Spiesshofer cho rằng kế hoạch chuyển đổi lâu dài của tập đoàn có thể mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu, song ABB vẫn tin tưởng kết quả kinh doanh sẽ cạnh tranh hơn.

ABB là tập đoàn hàng đầu thế giới trong công nghệ điện và tự động hóa mà các đối thủ cạnh tranh chính là Siemens của Đức và Alstom của Pháp. Tập đoàn có trụ sở ở Zurich này hoạt động trên khoảng 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục