ADB cảnh báo tài chính hạn hẹp của hệ thống hưu trí

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa cảnh báo về tình trạng thiếu chuẩn bị và tài chính hạn hẹp của nhiều hệ thống hưu trí ở châu Á.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa cảnh báo về tình trạng thiếu chuẩn bị và tài chính hạn hẹp của nhiều hệ thống hưu trí ở châu Á để đáp ứng nhu cầu của dân số đang già hóa nhanh chóng của mình, đặc biệt là khi toàn cầu hóa đang phá vỡ sự hỗ trợ gia đình truyền thống.

Thông cáo báo chí ngày 25/9 của ADB cho biết, chuyên gia kinh tế cấp cao Donghyun Park, đồng thời là người phụ trách nghiên cứu về “Hệ thống hưu trí ở Đông Á và Đông Nam Á” của ADB, nói rằng trên toàn châu Á tồn tại sự phân biệt lớn về lương hưu giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa người về hưu từ khu vực công và tư nhân, cũng như giữa những người hết tuổi lao động từ khu vực việc làm chính thức và không chính thức.

Do vậy, nếu không có những cải cách sâu rộng, gánh nặng tài chính từ những người lao động trong tương lai có thể sẽ trở nên không thể chịu đựng được đối với nhiều hệ thống hưu trí trong khu vực, chưa kể các hệ thống hưu trí cần phải có sự công bằng trong bảo hiểm, các lợi ích ròng và tuổi nghỉ hưu, và phải bền vững về mặt tài chính để đảm bảo những lợi ích thực sự cho những người hết tuổi làm việc.

ADB lưu ý rằng một phần quan trọng của thành công về kinh tế của châu Á trong những thập kỷ gần đây là nhờ dân số trẻ. Dân số lao động gia tăng đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng sự phát triển lực lượng lao động, tăng trưởng và tiết kiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, lợi thế về nhân khẩu học này của châu Á đang thay đổi khi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ người dân gia tăng, khiến dân số châu Á đang già hóa.

ADB kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Á cung cấp hỗ trợ đầy đủ thu nhập tuổi già, cung cấp những bài học quan trọng từ Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam để tiến hành các cải cách cần thiết trong hệ thống hưu trí, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi về các chuẩn mực xã hội và tác động của toàn cầu hóa, bởi một hệ bảo trợ xã hộ mạnh mẽ, bao gồm cả lương hưu, có thể giảm thiểu những mặt trái của toàn cầu hóa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục