ADB: Lạm phát ở Việt Nam năm nay tạm hạ nhiệt

ADB dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt trong năm nay nhưng sẽ lên mức 11,5% trong năm 2013, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam xuống mức 5,7%.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2012 sáng 11/4 đưa ra cái nhìn không mấy lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam…

Đáng chú ý là những cảnh báo về tác động xấu từ việc hạ lãi suất quá nhanh có thể dẫn tới những rủi ro đối với lạm phát và tỷ giá.

Hạ dự báo tăng trưởng

Với báo cáo này, báo cáo của ADB lại một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam xuống mức 5,7%, sau các mức 6,3% và 6,5% phát đi từ năm ngoái.

So với các nước trong khu vực, mức dự báo đối với Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar nhưng cao hơn Singapore, Thái Lan, Malaysia...

Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP có thể phục hồi lại mức 6,2% trong năm 2013 nhờ cải thiện triển vọng phát triển toàn cầu đối với thương mại và đầu tư, và khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới.

Đối với lạm phát, ADB dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm nay, phản ánh việc thắt chặt chính sách và mức cơ sở cao đối với chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2011. Lạm phát giá lương thực đang suy yếu. Điều kiện thời tiết đối với nông nghiệp nhìn chung là thuận lợi trong quý 1 của năm 2012, và giá lương thực thế giới được dự báo sẽ giảm nhiệt trong năm nay. Tuy nhiên, Chính phủ đã nâng giá nhiên liệu được quản lý thêm 3–12% vào tháng 3.

ADB dự báo lạm phát trung bình có thể giảm xuống mức sát dưới ngưỡng hai con số, với điều kiện các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ. Tuy nhiên, ADB cũng chỉ ra lạm phát lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, sẽ khó giảm hơn.

Báo cáo đưa ra dự báo, lạm phát trung bình trong năm 2013 sẽ tăng lên mức 11,5%. Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế và dự đoán về giá lương thực thế giới tăng cao, cũng như tăng giá điện và nhiên liệu trong nước.

Cần đảm bảo lãi suất thực dương

Ông Tomoyuki Kimura đưa ra quan điểm: “Đảm bảo an toàn cho ngành ngân hàng cần phải là ưu tiên trước mắt. Yêu cầu dài hạn là xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, có thể huy động được nguồn vốn đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%."

Báo cáo của ADB cũng cho rằng, tình trạng lãi suất thực âm (lãi suất huy động thấp hơn tỷ lệ lạm phát) cũng tác động đến tính “tiết kiệm thực” của khách hàng gửi tiền VND. Theo đó, các ngân hàng Việt Nam nên giữ được lãi suất thực dương để tăng sức hấp dẫn cho tiền đồng cũng như tăng quyền lợi cho người gửi tiền.

Giải thích về điều này, chuyên gia kinh tế về Việt Nam của ADB Dominic Melllor cho hay, điều quan trọng trong điều hành lãi suất là không nên dựa vào con số lạm phát hiện tại mà phải căn cứ vào kỳ vọng lạm phát.

Trước những động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ADB cảnh báo: "Việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt đồng Việt Nam dưới những áp lực mới. Điều này sẽ giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng và làm suy yếu dự trữ ngoại tệ. Niềm tin của doanh nghiệp và hệ thống tài chính sẽ bị lung lay nếu các vấn đề tại các ngân hàng nhỏ lan rộng."

ADB cho rằng, mặc dù dự trữ ngoại tệ đã được khôi phục một phần song vẫn ở mức thấp, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đánh giá của ADB đối với quyết định của Ngân hàng Nhà nước hạ các mức lãi suất tiêu chuẩn thêm 1% kể từ ngày 11/4, ông Tomoyuki Kimura cho rằng, để đánh giá các tốc độ nới lỏng các chính sách tiền tệ như thế nào là nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế, giao dịch ngoại hối... Theo Tomoyuki Kimura, Chính phủ Việt Nam nên duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền đồng là ít nhất 1 - 2%, đây là mức lãi suất hợp lý.

Cơ quan này cũng cho rằng, việc tăng trưởng nhanh về tiền cho vay trong nhiều năm, tiếp theo là việc thắt chặt tín dụng trong năm 2011 và sự suy thoái của thị trường bất động sản, chứng khoán đã làm tăng thêm áp lực đối với các ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã tăng lên mức khoảng 3,4%, dù còn cao hơn tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên tỷ lệ này đang ngày càng tăng. Đồng thời, danh mục rủi ro trong sổ sách kế toán của một số ngân hàng có quan hệ tín dụng với doanh nghiệp nhà nước làm tăng những nghi vấn về khả năng an toàn vốn, đặc biệt là đối với ngân hàng nhỏ.

“Những nguy cơ này càng nghiêm trọng hơn do những thiếu sót trong quản lý rủi ro tại các ngân hàng và những yếu kém trong hệ thông quản lý và giám sát”, ADB nhìn nhận.

ADB cũng cho rằng, mức tăng 16% đối với các khoản vay bằng đô la Mỹ trong năm 2011 đã làm tăng những rủi ro ngoại hối đối với các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường giám sát đối với việc cho vay bằng ngoại tệ. Kể từ tháng 5/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế việc cho vay bằng ngoại tệ chỉ cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu; Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giảm các mức hạn chế đối với lượng giao dịch ngoại hối của các ngân hàng.

Theo báo cáo ADO, trong năm nay Chính phủ đã thông qua một kế hoạch nhằm hồi phục thị trường chứng khoán. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng các thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, tái cơ cấu hai sàn giao dịch chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán và cải thiện hệ thống thanh toán và thoả thuận mua bán chứng khoán. Cũng theo kế hoạch này, các chính sách sẽ được xây dựng nhằm khuyến khích nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào chứng khoán hơn.

Ông Tomoyuki Kimura lưu ý, "Những cải cách phức tạp này phải mất nhiều năm mới hoàn thành, sẽ được lợi nếu phối hợp với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước như đề xuất."

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục