Ai Cập thành lập ủy ban tối cao để giám sát bầu cử Quốc hội

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Bầu cử Tối cao để giám sát cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Ai Cập thành lập ủy ban tối cao để giám sát bầu cử Quốc hội ảnh 1Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/7, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Bầu cử Tối cao (SEC) để giám sát cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

Đây là bước chuẩn bị đầu tiên cho cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào cuối tháng Mười nhằm hoàn tất lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến ngày 3/7 năm ngoái lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi.

Trước đó, Ai Cập đã hoàn tất hai chặng đầu tiên trong lộ trình này, gồm cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới vào giữa tháng Một và cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối tháng Năm vừa qua.

Hãng thông tấn chính thức MENA dẫn lời người phát ngôn Phủ Tổng thống Ai Cập Ihab Badawi cho biết SEC sẽ do người đứng đầu Tòa Phúc thẩm Cairo làm Chủ tịch. Sáu thành viên còn lại đến từ Tòa Phá án, Hội đồng Nhà nước - cơ quan xét xử chuyên thụ lý các vụ kiện hành chính, Tòa Phúc thẩm Alexandria và Tòa Phúc thẩm Tanta.

Theo luật định, SEC có quyền ấn định thời gian đăng ký tranh cử và bỏ phiếu.

Trước đó, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Cairo hôm 22/6 vừa qua, Tổng thống Ai Cập el-Sisi khẳng định trình tự của cuộc bầu cử Quốc hội sẽ được công bố trước ngày 18/7.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2014, bầu cử Quốc hội sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành.

Vài ngày trước khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử el-Sisi, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã thông qua Luật bầu cử Quốc hội, theo đó giành tới 80% số ghế cho các ứng cử viên độc lập và 20% còn lại dành cho ứng cử viên của các đảng phái.

Quy định này bị dư luận chỉ trích là nỗ lực nhằm làm suy yếu các đảng phái chính trị, trong đó phần lớn thành lập sau cuộc chính biến ngày 25/1/2011.

Luật trên cũng quy định Quốc hội gồm tổng cộng 567 thành viên, trong đó có 540 nghị sỹ được bầu và số còn lại sẽ do Tổng thống chỉ định. Ngoài ra, 24 ghế (chiếm 4%) sẽ dành cho các nghị sỹ người Cơ đốc giáo và ít nhất 12% tổng số ghế (tương đương 70 ghế) được dành cho các đại biểu nữ.

Đạo luật này cũng cho phép Ủy ban Bầu cử quốc gia ấn định lịch trình tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp của Ai Cập.

Hôm 14/7, Tòa Phúc thẩm Cairo về các vấn đề khẩn cấp đã lật ngược phán quyết trước đó cấm các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP, đã bị giải thể) của cựu Tổng thống Hosni Mubarak tham gia tranh cử trong các cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương.

Trước đó, một tòa án khác cũng ra lệnh cấm các thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) - lực lượng bị chính quyền Ai Cập xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố, tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, ngày 15/7, một tòa án tại thành phố Zagazig thuộc tỉnh Sharqia ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile đã tuyên phạt 7 năm tù đối với cựu nghị sỹ Farid Ismail thuộc MB và 10 người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi với tội danh kích động bạo lực sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Hồi giáo này.

Ngoài ra, tòa án cũng tuyên phạt 5 năm tù đối với cháu trai của ông Morsi trong một vụ án khác với cáo buộc kích động bạo lực chống lại cảnh sát và quân đội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục