Ai Cập đối thoại về chuyển tiếp chính trị

Ai Cập tổ chức đối thoại dân tộc về chuyển tiếp chính trị

Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã gặp đại diện của nhiều lực lượng chính trị để thảo luận về lộ trình chuyển tiếp.
Ai Cập tổ chức đối thoại dân tộc về chuyển tiếp chính trị ảnh 1Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour (trái) và Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Amr Moussa trước khi thông báo về thời điểm trưng cầu dân ý, tại Cairo ngày 14/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 22/12, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã gặp đại diện của nhiều lực lượng chính trị để thảo luận về lộ trình chuyển tiếp do quân đội công bố sau cuộc chính biến hôm 3/7 lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Đây là cuộc đối thoại dân tộc lần thứ hai do Phủ tổng thống Ai Cập tổ chức liên quan đến việc lựa chọn hệ thống bầu cử cũng như lịch trình các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 2014.

Tham dự cuộc đối thoại có người đứng đầu các đảng Dân chủ Xã hội, Wafd, Al-Nour, Trào lưu Nhân dân, cùng các chính trị gia, học giả, nhà báo và thành viên của Ủy ban sửa đổi hiến pháp.

Theo nguồn tin tham dự đối thoại, 75 người tham dự cuộc đối thoại dân tộc đã bỏ phiếu ủng hộ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước cuộc bầu cử quốc hội, trong khi 12 người khác bỏ phiếu ủng hộ bầu cử quốc hội trước bầu cử tổng thống.

Ngoài ra, 53 người bỏ phiếu ủng hộ tổ chức bầu cử quốc hội theo hệ thống hỗn hợp, 23 người ủng hộ hệ thống bầu cử cá thể và 6 người ủng hộ bầu cử theo danh sách đảng.

Tại cuộc đối thoại, Tổng thống Adly Mansour đã công bố sắc lệnh thành lập ủy ban tìm hiểu sự thật để điều tra tất cả các vụ đụng độ bạo lực đẫm máu kể từ làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6, bao gồm cả chiến dịch giải tán hai địa điểm tập trung của những người ủng hộ ông Morsi tại Cairo và tỉnh Giza vào ngày 14/8 khiến hơn 850 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Ủy ban này gồm 5 thành viên, do thẩm phán Foad Ryad đứng đầu, sẽ có báo cáo điều tra trong vòng 6 tháng.

Cùng ngày 22/12, phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" - lực lượng đi đầu trong làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak đầu năm 2011 - tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc biểu tình chống chính quyền được quân đội hậu thuẫn và ngừng ủng hộ lộ trình chuyển tiếp chính trị hậu Morsi ngay sau khi ba nhà hoạt động của phong trào này bị kết án.

Trong một cuộc họp báo tại Cairo, phong trào này cho biết đã phát động các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 25/1 tới nhằm gây sức ép buộc chính quyền "thay đổi cách hành xử hoặc chấp nhận ra đi", đồng thời cáo buộc chính quyền đang theo đuổi chiến dịch "báo thù" các nhà hoạt động từng tham gia cuộc chính biến lật đổ chế độ Mubarak.

Những người đứng đầu phong trào "Mùng Sáu tháng Tư" cho rằng chính quyền lâm thời Ai Cập đã phản bội họ sau cuộc nổi dậy ngày 30/6, giống như những gì mà tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đã từng làm sau cuộc cách mạng ngày 25/1/2011.

Trước đó, tòa án Ai Cập đã tuyên phạt 3 năm tù giam cùng với khoản tiền phạt 50.000 bảng Ai Cập (7.100 USD) đối với ba thủ lĩnh hàng đầu của phong trào "Mùng Sáu tháng Tư" là Ahmed Maher, Mohamed Adel và Ahmed Douma - những người được xem là biểu tượng của cuộc cách mạng ngày 25/1/2011 - với các tội danh tổ chức biểu tình bất hợp pháp và tấn công cảnh sát.

Tổ chức Mặt trận Con đường Cách mạng - lực lượng chống quân đội và MB trong đó phong trào "Mùng Sáu tháng Tư" là thành viên - dự kiến sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào chiều ngày 23/12 tại trung tâm Cairo nhằm phản đối việc giam giữ ba nhà hoạt động nói trên cũng như Luật biểu tình được ban hành hôm 24/11, gần 10 ngày sau khi tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ theo lệnh của tòa án.

Trong một diễn biến khác liên quan, Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) tại Ai Cập công bố tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp dự kiến được tổ chức trong hai ngày 14-15/1 tới.

Trong tuyên bố, NASL cáo buộc chính quyền tìm cách dàn dựng trưng cầu dân ý và hủy bỏ mục tiêu của cuộc cách mạng ngày 25/1. NASL cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2012 không có giá trị vì dự thảo do một ủy ban của "chính quyền đảo chính" soạn thảo.

Mặt khác, không khí chính trị hiện nay không thích hợp cho cuộc trưng cầu dân ý do tình trạng phân cực trong xã hội, kích động hận thù, trong khi chính quyền không cam kết các biện pháp bảo đảm tính trung thực của cuộc trưng cầu với sự giám sát của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như các phương tiện truyền thông khách quan.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục