Ấm áp tình quê hương giữa phương trời Âu châu

Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã tổ chức gặp mặt mừng Đảng mừng Xuân Quý Tỵ 2013 với sự tham dự của đông đảo bà con Việt kiều...
Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ ngày 3/2 đã tổ chức gặp mặt mừng Đảng mừng Xuân Quý Tỵ 2013 với sự tham dự của đông đảo bà con Việt kiều, khách nước ngoài, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tại Bern cũng như Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam tại Geneva, đại diện Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ và đặc biệt là các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Thụy Sĩ đã góp phần tham gia chương trình biểu diễn đàn dân tộc đón mừng Năm mới.

Đại sứ Nguyễn Thế Phiệt đã điểm lại tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2012, đồng thời nhấn mạnh sự phát triển rất tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ kể từ khi Việt Nam thành lập Đại sứ quán tại Bern đến nay.

Hòa chung với không khí chung của nhiều kiều bào Việt Nam ở các nước trên thế giới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã tổ chức đón chào Xuân Quý Tỵ 2013 vào đúng dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2013). Năm nào Đại sứ quán cũng tổ chức buổi gặp mặt đón Xuân cho những người dân Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Tuy không thể mời hết 8.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây, song những gương mặt hôm nay đều là những Việt kiều có nhiều đóng góp cho phong trào hoạt động của Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, góp phần làm cầu nối tích cực trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, văn hóa tới kinh tế.

Khi chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán - ngày tết cổ truyền không chỉ mang ý nghĩa quan trọng là thời khắc giao thoa giữa Năm mới và Năm cũ mà còn là dịp để mọi người được sống trong không khí ấm áp của đại gia đình Việt Nam tại phương trời Âu châu. Đây chính là truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam luôn được gìn giữ và vun đắp từ các thế hệ này qua các thế hệ khác.

Tâm sự với phóng viên TTXVN tại Geneva, chị Đào Thị Gái hiện ở CH-8400 Winterthur, Thụy Sĩ, cho biết năm nào chị cũng cố gắng đến tham dự "Tết cộng đồng" ở Sứ quán để ôn lại những kỷ niệm trong năm qua và chia sẻ những hy vọng mới trong Năm mới. Dù đã hòa nhập và có cuộc sống ổn định ở nước sở tại, song dịp Tết luôn gợi đến những ký ức ấm áp của tình quê hương. Tuần tới, chị sẽ bay về Việt Nam để đón Tất niên với mẹ già để được vui những giây phút đầu năm, vơi đi những nỗi nhớ đằng đẵng suốt 365 ngày.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Nguyễn Thế Phiệt cho biết trong năm 2013 sứ quán đang có kế hoạch tổ chức hai đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ sang Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, có thể vào tháng 6, tới ít nhất ba địa điểm ở Việt Nam.

Tháng 10 tới, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu các doanh nghiệp tiêu biểu của Thụy Sĩ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và du lịch, tới thăm Việt Nam. Sứ quán cũng đang cố gắng tìm kiếm các thế mạnh của Thụy Sĩ như công nghiệp chính xác, chế tạo bên cạnh những lĩnh vực truyền thống nổi tiếng như ngân hàng, giáo dục, y tế, để có thể thúc đẩy mối quan hệ hai nước, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ.

Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển nhanh chóng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hai bên đã ký một loạt Biên bản ghi nhớ về các lĩnh vực như giáo dục, tài chính và ngân hàng. Thụy Sĩ đứng thứ tư trong số các nước ở châu Âu và đứng thứ 19 trên thế giới với 91 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là gần 2 tỷ USD.

Một số công ty lớn của Thụy Sĩ như công ty ximăng Holcim vào Việt Nam năm 1994 và hiện đã trở thành một trong những nhà sản xuất ximăng và cung cấp bê tông trộn sẵn hàng đầu ở phía Nam Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số công ty khác của Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam là công ty thực phẩm Nestlé, hãng dược phẩm Novatis, Roche, công ty thiết bị điện ABB, công ty cơ khí Sulzer, công ty thiết bị điện tử Escatec...

Tuy nhiên, so với tiềm lực kinh tế của Thụy Sĩ (giá trị GDP năm 2012 ước đạt 700 tỷ USD), hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước còn hạn chế là do yêu cầu chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Sĩ rất cao, đây cũng chính là một trở ngại lớn cho sản phẩm của các nước có trình độ công nghệ còn khiêm tốn như Việt Nam.

Mặc dù vậy, do đồng franc của Thụy Sĩ lên giá mạnh, để tăng tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm, các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang có xu hướng chuyển một phần sản phẩm hay bộ phận dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á, nơi có những nền kinh tế đang phát triển rất năng động. Do vậy, đây sẽ là một cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước trong thời gian tới./.

Tố Uyên/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục