Ấm áp xuân mới gia đình “độc nhất” ở đảo Trần

Xưa nay đảo Trần vẫn là nơi “thiếu vắng tiếng khóc trẻ thơ và tiếng cười phụ nữ,” nhưng giờ đây điều đó đã không còn nữa...
Bài 3: Ấm áp xuân mới gia đình “độc nhất” ở đảo Trần

Xưa nay đảo Trần (thuộc huyện đảo Cô Tô-Quảng Ninh) vẫn là nơi mà người ta truyền miệng nhau “thiếu vắng tiếng khóc trẻ thơ và tiếng cười phụ nữ” nhưng giờ đây điều đó đã không còn nữa. Đã có hình bóng người phụ nữ và những tiếng bi bô của trẻ thơ đầu tiên trên hòn đảo xa xôi này.

Ra đảo vắng tìm kế mưu sinh

Khác với những gì mọi người vẫn nghĩ, trên đảo Trần bây giờ đã có một gia đình đầu tiên và duy nhất. Tiếng bi bô của đứa trẻ thơ đã xua tan đi mọi sự lạnh lẽo hưu quạnh của nơi đảo xa vắng người.

Tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh, hộ dân duy nhất trên đảo vào những ngày giáp Tết. Cả nhà chị tưng bừng hơn khi có đoàn thăm chúc tết của Hải quân ra đảo.

Chị Cảnh kể, hai vợ chồng đã ra đảo được 5 năm nay, khi đó đảo vẫn là một nơi hoang vắng và cho đến bây giờ nhà chị vẫn là gia đình duy nhất sống trên đảo cùng với một số đơn vị bộ đội.

Ban đầu khi mới ra đảo, vợ chồng chị Cảnh và cùng đứa con hơn 3 tuổi sống trong ngồi lều tạm dựng bằng cót ép của Bộ tư lệnh Biên phòng Đảo Trần cho mượn.

“Nơi đầu sóng ngọn gió, những ngày giông bão các anh bộ đội đều ra bảo cả nhà vào đơn vị để tránh bão, tránh mưa.” Chị Cảnh  cho biết.

Anh chị chọn cách mưu sinh bằng cách “mở cửa hàng tạp hóa trên đảo”. Để mang hàng ra đảo, mỗi tuần khi có tàu tiếp tế của bộ đội ra đảo, mẹ chị Cảnh trong đất liền mua các loại hàng hóa như bánh kẹo, thuốc lá, nước ngọt… rồi nhờ tàu chở ra.

Đảo Trần là nơi các tàu đánh cá đi qua rất nhiều và thường vào đảo nghỉ ngơi trước khi trở về đất liền. “Có những lần vì sóng to, ngư dân vào đảo trú đông và dài ngày nên cái cửa hàng tạp hóa nhỏ bé của tôi… cháy hàng,” chị hồ hởi.

Không chỉ trông chờ vào cửa hàng, gia đình chị Cảnh còn có chiếc thuyển nhỏ nên vào những mùa sứa, mùa mực chồng chị lại ra ngoài khơi để đánh bắt. “Những ngày thường rất khó kiếm, chỉ được ít để gia đình ăn nhưng vào mùa thì cũng kiếm được đôi chút.”

Dành dụm được hơn chục triệu đồng, hai vợ chồng chị cảnh quyết định mua ximăng, gạch ngói từ đất liền rồi nhờ tàu chở ra đảo để xây nhà.

“Trên đảo có bấy nhiêu đơn vị là từng đấy cắt cử, chia nhau ra giúp. Mỗi chiến sỹ giúp một ngày công là chúng tôi đã dựng được xong căn nhà,” chị Cảnh nói.

Cuộc sống của vợ chồng chị Cảnh nhờ vậy, cứ yên ấm trôi qua ở nơi đầu sóng ngọn gió cũng nhờ “các chiến sỹ bộ đội ở đây đùm bọc giúp đỡ thì hai chúng tôi mới có thể vượt qua khó khăn được.”

Đón xuân mới cùng bộ đội


Vì là gia đình duy nhất sống trên đảo nên mỗi khi Tết đến xuân sang, bộ đội chính là “hàng xóm, láng giềng” để vợ chồng chị Cảnh quây quần.

Cũng làm đụng lợn, cũng gói bánh trưng nhưng tất cả những việc đó vợ chồng chị Cảnh đều làm chung với các chiến sỹ bộ đội. “Mấy ngày cuối năm chẳng mấy khi ở nhà vì đều vào đơn vị tập trung chuẩn bị Tết.”

Tất bật chuẩn bị Tết với các anh em chiến sỹ cũng khiến cho nỗi nhớ nhà trong đất liền của vợ chồng chị vơi bớt đi rất nhiều.

“Vì là đều cùng cảnh xa nhà nên mọi người rất hiểu nhau. Tựa vào nhau để sống, những đơn vị quân đội trên đảo giống như người hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn với mình…” chị Cảnh tâm sự.

Khi đêm sang canh, gia đình chị Cảnh cũng làm mâm cơm để cúng trời đất rồi "mời" các chiến sỹ sang xông nhà. Mọi người quây quần nhau quanh mâm cơm đầu năm và uống rượu cho đến sáng…

“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” nhưng với chồng chị Cảnh thì “ngày nào cũng là chúc Tết, ăn Tết với bộ đội.”

“Hai đơn vị Biên phòng và Hải quân đều cách nhà hơn chục cây số nên từ sáng sớm hai vợ chồng đã phải dậy để đi bộ đến đó. Có những lần đến chúc tết các chiến sỹ còn giữ lại ở đó ngủ một tối rồi sáng hôm sau về sớm.” chị Cảnh cho biết.

Cho đến ngày mùng 4 thì đại diện của các đơn vị sẽ tập trung tất cả ở gia đình chị Cảnh để cùng nhau ăn bữa cơm Tết ở gia đình duy nhất trên đảo.

Cái Tết của gia đình duy nhất trên đảo Trần thật đơn giản nhưng ấm áp tình nghĩ của quân và dân. Họ dành cho nhau những tình cảm của những con người cùng cảnh sống xa nhà phải đón xuân cách xa gia đình, tổ ấm.
Trung ương Đoàn và tỉnh đoàn Quảng Ninh đã có kế hoạch xây dựng đảo Trần thành Đảo Thanh Niên. Năm 2010 tỉnh Đoàn Quảng Ninh đã có chương trình thí điểm đưa đoàn viên thanh niên tình nguyện ra đảo sinh sống và định cư lâu dài.

Trong những năm tiếp theo, "kế hoạch di dân" ra đảo Trần sẽ được đẩy mạnh hơn, sẽ có nhiều đoàn viên thanh niên ra đảo xây dựng cuộc sống mới.
Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục