Âm nhạc là một cách truyền dạy lịch sử tuyệt vời

Việc học lịch sử của học trò rất đáng báo động, các nhà giáo dục đang đau đầu, nhưng chúng ta lại ít chú ý đến việc truyền sử qua âm nhạc.
Dù vẫn luôn nhắc nhau về lời Bác Hồ dạy: "Dân ta phải biết sử ta," nhưng càng gần đây, việc học và thi lịch sử của học trò càng đáng báo động. Trong khi các nhà chuyên môn giáo dục đang bàn biện pháp để dạy về "cội nguồn" cho thế hệ trẻ hiệu quả hơn thì ở một cách thức lĩnh vực khác, có một cách thức truyền dạy sử tuyệt vời. Đó là âm nhạc.

Phóng viên Vietnam+ đã trao đổi về vai trò của sử ca với nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến-người rất tâm đắc và có những sáng tác sử ca đóng góp cho âm nhạc Việt Nam.

- Đưa lịch sử vào âm nhạc sẽ là nhịp cầu tốt trong việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, là một nhạc sĩ tâm đắc với việc này, ông có thể nêu ý kiến cụ thể?

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến:
Âm nhạc đem lại niềm vui, sự sảng khoái cho con người, âm nhạc còn giáo dục, kêu gọi con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội qua các cung bậc âm thanh. Âm nhạc có sức cảm hóa, tăng thêm nghị lực cho con người, giúp con người có một nhân cách toàn vẹn hơn.

Ngược lại, nếu âm nhạc không trong sáng lành mạnh mà yếu đuối ủy mị, cũng sẽ biến con người trở nên tầm thường, ích kỷ, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng xã hội, thậm chí không có đạo đức và đó một tác động tiêu cực.

- Đúng vậy thưa nhạc sĩ, ca từ hiện nay bị cho là “có vấn đề,” ông hãy đưa ra giải pháp mang tính chất “xây” để “chống” nhằm khắc phục tình trạng đó?


Nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến:
Theo tôi, có thể đề cập đến một loại hình âm nhạc rất khiêm tốn và ít khi được sử dụng trong giai đoạn hiện nay, đó là âm nhạc sử ca.           

Như chúng ta đã biết nếu nói về âm nhạc, dù là ở lĩnh vực âm nhạc nào cũng đều nằm trong ngành công nghệ giải trí và mảng âm nhạc sử ca cũng không ra ngoài ngoại lệ đó, dù rằng tính chất của nó là giáo dục.
 
Sử ca là những bài hát bằng lời, hát lên để tôn vinh, tự hào, ôn lại truyền thống oanh liệt hào hùng vẻ vang của cha ông, tổ tiên dân tộc ta, để kêu gọi chúng ta sống có trách nhiệm đối với đất nước và cũng để nhắc nhở cho các thế hệ kế tiếp hiểu, trân trọng những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc mình.

Với giai điệu nhạc trong sáng, lành mạnh, hào hùng…ca từ lời hát đơn giản có nội dung, có ý nghĩa. Cả hai yếu tố trên hòa quyện vào nhau tạo nên một cảm giác, tối cao hơn thế là tình cảm tự hào, lòng tự tôn về dân tộc có thể tạo một cuộc sống yêu đời, bao dung, có trách nhiệm với cộng đồng.

Chẳng hạn như khi ta nghe bài hát “Bạch Đằng Giang – Hội nghị Diên Hồng" của Lưu Hữu Phước,“Lịch sử Việt nam" của Hùng Tâm hay “Gò Đống Đa" của Văn Cao.

Tuy nhiên trong thực tế sự hiểu biết về lịch sử dân tộc và đặc biệt là sử ca vẫn chưa được chú trọng. Có lẽ nguyên nhân này cũng còn xác định ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể như cơ chế quản lý, trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế, cơ chế thị trường mang tính thực dụng…  

- Là một nhạc sĩ tâm huyết với lịch sử và đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh- nơi thị trường âm nhạc sôi động nhất nước, ông có thể cho biết tình hình đã triển khai và hướng phát triển của “sử ca” tại thành phố mang tên Bác?


Nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến: Vài năm trở lại đây đã có một số các chương trình  giới thiệu, vận động các nhạc sĩ sáng tác, tuyển chọn và sưu tầm các bài hát hay về sử ca (do nhà Văn Hóa Thanh Niên phối hợp với Trung Tâm Văn Hóa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức), đã được một số các quận huyện phát động và nhất là đã đưa được chương trình này áp dụng vào trong ngành giáo dục.

Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh và khích lệ, nhưng kết quả đạt được cũng chỉ gói gọn trong từng đợt phong trào, chưa đạt về chất lượng và cũng chưa được nhân rộng ra trong cộng đồng.

- Theo ông, chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi, tại sao cộng đồng còn thờ ơ và chưa quan tâm lắm đối với mảng âm nhạc này, nhất là giới trẻ hiện nay?

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến:
Chúng tôi thiển nghĩ khi phát động các phong trào, hay các chương trình âm nhạc sử ca, trước tiên chúng ta cần phải tuyên truyền phổ biến vai trò giáo dục của sử ca tốt hơn nữa, sao cho cộng đồng hiểu rằng khi nghe hay hát nhạc sử ca, không chỉ đơn thuần là giải trí như các mảng âm nhạc khác, mà còn giúp ta hiểu biết thêm về các nhân vật lịch sử và tạo được niềm tự hào khi nghe hay hát ...

Dĩ nhiên để làm được những công việc đó cũng không phải đơn giản mà cần phải có sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành.

Tôi nghĩ, đã là người Việt Nam thì nên hiểu rõ về lịch sử của dân tộc mình. Một đất nước có những trang sử hào hùng, những chiến công hiển hách, những anh hùng đi vào huyền thoại, đã được ghi nhận. Một đất nước với nền văn hiến ngàn năm cần được phát huy và gìn giữ. Và đó cũng là một thái độ sống “uống nước nhớ nguồn” tiếp nối cho những thế hệ mai sau.    
       
- Nhạc sĩ đã nêu sử ca mang tính truyền thống lịch sử, nhưng chính những ca khúc đã và sắp được sáng tác rất cần mang nội dung và âm hưởng của cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, ông có đề xuất gì về sự cần có "tiếp nối sử ca" này?

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến:
Trong giai đoạn hiện tại, giai đoạn thế hệ Hồ Chí Minh một giai đoạn có thể nói là đầy biến động lịch sử so với quá trình trải dài lịch sử của dân tộc đã xuất hiện khá nhiều các anh hùng thời đại và các anh hùng này cũng rất xứng đáng để tôn vinh tiếp nối truyền thống trong sử sách trong sử ca của dân tộc

- Theo ông có nên tập hợp những ca khúc hào hùng từ những ngày đầu thành lập nước trong "bộ sưu tập" đẹp về sử ca Việt Nam để làm nền tảng? Nếu vậy, đâu là những ca khúc "đầu bảng" trong số đó?


Nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến: Chúng tôi đã lập ra một website: lichsuvietnam.vn/suca. Trong website này chúng tôi cũng đã tập hợp và sắp xếp tất cả các bài hát vào trong trang website. Với mong muốn khi cộng đồng tiếp cận tìm hiểu sẽ dễ dàng.

Sử ca cách mạng cần vang mãi trong lòng người Việt. Các bài sử ca thời đại mới, bài nào cũng có một sắc thái riêng tùy theo người cảm nhận, vì thế khó mà nói bài này hay hơn bài kia. Những bài ca vang mãi cùng năm tháng hào hùng của dân tộc là: “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Mười chín tháng tám” (Xuân Oanh), “Giải phóng Điện Biên” (Đỗ Nhuận), “Như có bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà)…

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục