Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng hợp tác ASEAN+3 (10 nước thành viên ASEAN với 3 nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) phải là “động lực chính” cho sự phục hồi kinh tế và thích ứng của khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21 diễn ra ngày 9/9 theo hình thức trực tuyến, bà Marsudi cho biết các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang là “trụ cột” của các nền kinh tế ASEAN và cung cấp tới 52-97% tổng số việc làm.
Do vậy, sự can thiệp nhằm giúp đỡ các MSME là “điều bắt buộc” để duy trì hoạt động của các công ty này và tái khởi động các nền kinh tế khu vực.
Theo bà Marsudi, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ các MSME và đây là động lực để ASEAN tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trong đó có việc thông qua hợp tác ASEAN+3.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia bày tỏ tin tưởng ASEAN+3 sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để củng cố vị thế một động lực tăng trưởng toàn cầu, đồng thời là một phần của giải pháp cho đại dịch COVID-19 như hỗ trợ phát triển, sản xuất và phân phối vắcxin ngừa COVID-19 ở các nước ASEAN+3.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho rằng việc thành lập Mạng lưới các ngành dược phẩm ASEAN+3 theo đề xuất của Tổng thống Joko Widodo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác khu vực, trong đó có việc cùng nghiên cứu và sản xuất vắcxin và giúp duy trì kết nối tiểu vùng.
Bà Marsudi cũng đề xuất thành lập Lực lượng Đặc nhiệm ASEAN+3 về COVID-19 nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó với đại dịch trong khu vực.
Nhân dịp này, bà Marsudi cũng đánh giá cao cam kết của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trong việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo này cũng bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN+3 có thể tiếp tục trở thành “mỏ neo” cho khả năng phục hồi của khu vực kể cả trong thời kỳ khó khăn như đã từng thể hiện trong hơn hai thập kỷ qua.
Cùng ngày, tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản, bà Marsudi kêu gọi ASEAN và Nhật Bản tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm đảo bảo an ninh và hòa bình trong khu vực, trong đó có việc thông qua hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng và tình hình phức tạp hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cả nền kinh tế ASEAN và Nhật Bản, thậm chí còn khó khăn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Do vậy, ASEAN và Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác cùng nhau nhằm giải quyết đại dịch và phục hồi kinh tế.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cũng hoan nghênh việc thông qua Kế hoạch hành động thích ứng kinh tế ASEAN-Nhật Bản, trong đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với nền kinh tế.
[AMM 53: Chuyên gia Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác nội khối]
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc diễn ra cùng ngày, bà Marsudi cũng kêu gọi ASEAN và Hàn Quốc xây dựng khả năng phục hồi y tế khu vực và cùng nỗ lực khôi phục kinh tế.
Theo bà Marsudi, khả năng phục hồi y tế quốc gia mạnh mẽ sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi vững chắc y tế khu vực. Do đó, Indonesia hoan nghênh đề xuất của Hàn Quốc về việc hợp tác với ASEAN xây dựng Hệ thống y tế có khả năng phục hồi và Hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân bền vững.
Về các nỗ lực chung khôi phục kinh tế, người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia hoan nghênh sáng kiến chung của Hàn Quốc và ASEAN tăng cường kết nối kinh tế nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo bà Marsudi, sáng kiến này cần được tiếp nối bằng các biện pháp cụ thể bao gồm thực hiện các cơ chế hội nhập kinh tế, trong đó có Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tăng cường số hóa và thương mại điện tử cho các MSME; thúc đẩy hợp tác kinh tế sáng tạo, trong đó có hợp tác sử dụng công nghệ kỹ thuật số.
Cũng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai khẳng định rằng người dân phải là tâm điểm của quan hệ đối tác giữa ASEAN và và Hàn Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh việc xây dựng năng lực trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa sự bùng phát của các bệnh khác trong tương lai, cũng như tạo ra các cuộc đối thoại về y tế giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Don Pramudwinai cũng nhấn mạnh hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh doanh, đặc biệt là trong cơ sở hạ tầng thông minh, thành phố thông minh và tăng trưởng xanh, đồng thời nêu bật việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong việc giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, theo đó đánh giá cao việc Hàn Quốc đóng góp 5 triệu USD cho ASEAN trong các dự án nâng cao năng lực phát hiện COVID-19 ở các nước thành viên ASEAN để mua sắm vật tư và thiết bị y tế, và phân bổ 1 triệu USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN.
Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác trong phục hồi kinh tế khu vực với trọng tâm Chính sách Phương Nam Mới của Hàn Quốc, sử dụng công nghệ và đổi mới để nâng cao năng lực ngành y tế, duy trì chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy kết nối, cũng như đổi mới và kinh tế kỹ thuật số cho các MSME và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hội nghị cũng trao đổi quan điểm về những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, theo đó các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại giữa các bên liên quan.