Theo một sắc lệnh ban bố tối 29/8, nhà chức trách Ấn Độ đã cho phép các thương gia vận chuyển gạo trắng không thuộc loại basmati trong các container đang mắc kẹt tại cảng do lệnh cấm xuất khẩu loại gạo này.
Trước đó, ngày 20/7, Ấn Độ đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu loại gạo trắng không phải basmati, vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm kiểm soát giá cả trong nước. Động thái này được đưa ra sau một lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hồi năm ngoái.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông Prem Garg cho biết lệnh cấm mới đã làm 150.000 tấn gạo trắng không phải basmati bị kẹt tại nhiều cảng khác nhau, khiến các thương gia đối mặt với thiệt hại.
Trong sắc lệnh mới nhất, Tổng Vụ Ngoại thương Ấn Độ (DGFT), thuộc Bộ Thương mại, cho biết sẽ cho phép vận chuyển số hàng đang mắc kẹt mà các thương gia đã trả thuế xuất trước ngày 20/7, thời điểm lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực.
[Ấn Độ quyết định cho phép xuất khẩu gạo sang Singapore]
Ông Garg khẳng định: “Việc cho phép xuất các container đang kẹt tại cảng sẽ không chỉ giúp các nhà cung ứng, mà còn giúp cho người tiêu dùng ở một số nước đang cần gạo nhất.”
Theo ông, hầu hết số gạo đang mắc kẹt sẽ được xuất đến các quốc gia Đông Phi và Tây Phi.
Ấn Độ cung cấp 40% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, tới các hơn 150 quốc gia, trong đó có một số nước nghèo và dễ bị tổn thương tại châu Phi và châu Á. Trong năm 2022, New Delhi đã xuất kỷ lục 22,2 triệu tấn gạo.
Sau lệnh cấm trên, Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ và áp dụng mức giá sàn cho việc xuất khẩu gạo basmati, trong một nỗ lực kiềm chế giá gạo trong nước. Các lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã làm tăng sức ép lên giá gạo thế giới./.