Giao nhận hàng đình trệ sau khi Ấn Độ áp thuế xuất 20% đối với gạo đồ

Các doanh nghiệp thu mua và phân phối phải tạm hoãn nhận giao hàng với số lượng khoảng 500.000 tấn cho đến sau ngày 15/10 sau khi Ấn Độ áp mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu.
Giao nhận hàng đình trệ sau khi Ấn Độ áp thuế xuất 20% đối với gạo đồ ảnh 1Nông dân tách vỏ trấu khỏi hạt gạo ở Amritsar, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Ấn Độ đã áp mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu đã khiến các doanh nghiệp thu mua và phân phối phải tạm hoãn nhận giao hàng với số lượng khoảng 500.000 tấn cho đến sau ngày 15/10 tới.

Hôm 25/8, Ấn Độ thông báo đã áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu và mức thuế mới này kéo dài đến ngày 15/10/2023.

Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết động thái này nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước.

Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới trải qua các công đoạn chế biến khác.

[Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo đồ, thị trường gạo đối mặt khó khăn mới]

Việc các đơn vị xuất khẩu của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - trì hoãn giao hàng cho bên thu mua có thể làm cạn kiệt kho dự trữ gạo ở các nước nhập khẩu như Đức, Ghana, Côte d'Ivoire và Liberia.

Đồng thời, điều này cũng làm tăng giá gạo ở những nước nhập khẩu nói trên, nhất là khi giá gạo tại đây duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua.

Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành doanh nghiệp xuất khẩu gạo Satyam Balajee, cho biết: “Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo đang trì hoãn việc nhận hàng vì không muốn trả thuế."

Ông B.V. Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nói với hãng tin Reuters rằng hiện lô hàng 500.000 tấn gạo chưa được chuyển giao.

Ông nói thêm rằng ngay cả trước khi Ấn Độ áp đặt mức thuế mới nói trên, thì các đơn vị nhập khẩu đã lo ngại về việc giá gạo tăng trên thị trường. Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của các nước châu Phi khó có thể mua vào với mức giá hiện tại.

Theo nhận định của ông Rao, hoạt động cung cấp và phân phối gạo sẽ dần thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu bắt đầu từ tháng 10. Đến lúc đó, giá lúa thu mua giảm sẽ kéo giá gạo xuất khẩu giảm theo.

Một thương lái ở New Delhi cho biết các nước nhập khẩu gạo không có nhiều lựa chọn sau khi các nhà sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á như Thái Lan và Pakistan tăng giá bán trong những tuần gần đây.

Do đó, thương lái này cho rằng các đơn vị nhập khẩu gạo ở châu Phi lựa chọn phương án tốt nhất là trì hoãn việc nhận hàng và chờ cho đến khi giá đi xuống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục