Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới?

Do chất lượng lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng không đủ, sự phân hóa xã hội và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nước này khó có thể sớm thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới? ảnh 1Công nhân làm việc tại một xưởng may tại Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Bloomberg)

Theo trang mạng nationalinterest.org, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nhiều người ở phương Tây đã thảo luận về nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đối với hàng hóa sản xuất.

Gần đây, những cuộc thảo luận này đã “sôi nổi” trở lại sau khi Trung Quốc phải đối mặt với các đợt phong tỏa mới khiến các hoạt động kinh tế bị tạm dừng.

Với dân số đông và trẻ, mức lương thấp hơn và các ngành công nghiệp tương đối đa dạng, Ấn Độ đã trở thành một ứng cử viên được ưa chuộng để thay thế Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là một nước dân chủ tự do nói tiếng Anh, đồng thời là thành viên của Nhóm Bộ tứ và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mới được giới thiệu, Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với các nước phương Tây, với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại đó là người gốc Ấn Độ.

Ngoài ra, vào tháng trước, Liên hợp quốc dự đoán rằng dân số của Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2023.

Với mọi thứ dường như thuận lợi đối với Ấn Độ, liệu nước này có thể thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng toàn cầu?

Thật không may cho Ấn Độ, do chất lượng lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng không đủ, sự phân hóa xã hội, các hạn chế của thị trường và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nước này khó có thể sớm thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Đầu tiên, chất lượng lao động và sự sẵn có của cơ sở hạ tầng của Ấn Độ thua xa Trung Quốc.

Nhiều người coi giá nhân công thấp của Ấn Độ là một lợi thế quan trọng với Trung Quốc.

Thu nhập trung bình hằng ngày của Ấn Độ ở khu vực thành thị vào năm 2017 là 4,21 USD so với mức 12,64 USD của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá nhân công thấp không có nghĩa lý gì nếu lợi ích mang lại cũng tương đối thấp. Bất chấp những thành tựu phát triển đáng khen ngợi của Ấn Độ trong vài thập kỷ qua, những cải tiến về năng lực của nước này tụt xa so với Trung Quốc.

Ngoài ra, năng lực nhà nước của Ấn Độ kém hơn Trung Quốc và nhiều người Ấn Độ sinh sống ở các khu ổ chuột sống không có giấy tờ tùy thân.

Do đó, sự tụt hậu của Ấn Độ trong việc nâng cao kỹ năng lao động so với Trung Quốc có thể còn tệ hơn so với dữ liệu chính thức.

Những yếu tố này ảnh hưởng đến hiệu quả của người lao động ở các nhà máy và khả năng nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất trong dài hạn.

Giá nhân công thấp có thể không bù đắp được những phẩm chất lao động thấp này. Trên thực tế, nếu Ấn Độ không thể đối phó với những thiếu hụt về năng lực này một cách hiệu quả, dân số gia tăng của họ có thể làm suy yếu sự ổn định xã hội của Ấn Độ.

Ngoài yếu tố lao động, hoạt động sản xuất cũng cần vốn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Rất ít quốc gia đang phát triển có thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt này, Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ.

Năm 1994, Trung Quốc đã cải cách hệ thống thuế của mình để tăng cường sự kiểm soát của trung ương đối với tổng thu nhập tài chính của nước này.

Cải cách đã buộc các chính quyền địa phương phải tìm kiếm các nguồn thu nhập thuế mới và cuối cùng là sử dụng các công ty huy động vốn của chính quyền địa phương (LGFV).

Do thuế bất động sản về tay các chính quyền địa phương, họ bắt đầu khuyến khích xây dựng, bán quyền sử dụng đất và sử dụng các khu đất làm tài sản thế chấp để tài trợ cho cơ sở hạ tầng dưới hình thức LGFV.

Các LGFV dẫn đến nhiều khoản đầu tư và nhiều khu công nghiệp bỏ không. Khi các nhà đầu tư phương Tây bắt đầu tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy ở nước ngoài, Trung Quốc trở thành một địa điểm đặc biệt hấp dẫn khi có sẵn nguồn vốn.

Mặc dù các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng điều kiện của nước này vẫn chưa chín muồi như của Trung Quốc.

Vào năm 2021, tổng vốn cố định của Ấn Độ chiếm 28% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm từ mức 36% năm 2007. Ngược lại, tổng vốn cố định của Trung Quốc vào năm 2021 là 42% GDP của nước này.

Ngoài ra, sự phân hóa xã hội của Ấn Độ làm giảm đi lợi thế đông dân của nước này.

Trong suốt lịch sử, Ấn Độ là một quốc gia đa dạng hơn Trung Quốc. Nước này tập hợp những người thuộc các tầng lớp, sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau.

Một ví dụ tiêu biểu là hệ thống đẳng cấp. Hệ thống đẳng cấp chia người dân Ấn Độ thành 4 đẳng cấp và hàng nghìn đẳng cấp phụ.

Mặc dù Hiến pháp của Ấn Độ đã bãi bỏ hệ thống đẳng cấp từ lâu, nhưng tác động của nó vẫn còn hiện hữu và có ảnh hưởng.

Ngày nay, hầu hết mọi nghề nghiệp ở Ấn Độ đều có một đẳng cấp phụ chủ đạo.

Các nền văn hóa và truyền thống khác nhau đã mang lại cho các nhóm này những nhu cầu kinh tế khác nhau. Do đó, Ấn Độ không phải là một thị trường lớn với 1,4 tỷ dân mà là sự kết hợp của hàng nghìn thị trường nhỏ, đồng nghĩa với việc Ấn Độ không thể khai thác hết lợi thế về dân số của mình.

Cơ sở hạ tầng không đủ của Ấn Độ so với Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến giao thông, cũng đã góp phần vào vấn đề này với sự kết nối giữa các vùng chưa tối ưu.

Cuối cùng, Ấn Độ có truyền thống lâu đời về sự can thiệp vào thị trường và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, điều làm cho môi trường kinh doanh của nước này trở nên kém thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà xuất khẩu Ấn Độ.

Ấn Độ có nhiều hạn chế đối với thị trường trong nước của mình. Sự thù hận truyền thống của công chúng Ấn Độ đối với chủ nghĩa tư bản do sự phổ biến của tham nhũng cũng đã làm chậm quá trình thị trường hóa của Ấn Độ.

Trên bình diện quốc tế, Ấn Độ có truyền thống lâu đời về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch làm cản trở việc nước này áp dụng một mô hình tăng trưởng dẫn dắt bởi xuất khẩu.

Với tư cách là một thuộc địa cũ, Ấn Độ đã phải gánh chịu hậu quả của sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Dưới sự cai trị của Anh, trong nhiều trường hợp, nhà chức trách chỉ cho phép người dân Ấn Độ mua các sản phẩm của Anh, thay vì các sản phẩm bản địa.

Về mặt kinh tế, những khuynh hướng này khiến Ấn Độ rất coi trọng việc bảo vệ các ngành công nghiệp bản địa của mình.

Trong khi đó, sự bảo hộ của Ấn Độ đã dẫn đến mức thuế cao kéo dài cho đến ngày nay và sự miễn cưỡng của Ấn Độ trong việc sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều nhân công mà các công ty phương Tây kiếm được phần lớn lợi nhuận.

Mặc dù có nhiều lợi thế và được các nước phương Tây hỗ trợ, nhưng khó có khả năng Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong tương lai gần.

Về mặt kinh tế, mặc dù có chi phí lao động thấp, nhưng chất lượng lao động thấp của Ấn Độ xuất phát từ sự thiếu hụt trong phát triển năng lực đã làm mất lợi thế về lao động, đồng thời việc thiếu các đầu tư cơ sở hạ tầng khiến Ấn Độ gặp bất lợi về chi phí vốn.

Về mặt xã hội, sự phân cấp đa chiều của Ấn Độ tạo ra các nhu cầu kinh tế khác nhau cho các nhóm khác nhau, làm giảm lợi thế của dân số đông.

Về mặt chính trị, các hạn chế thị trường của Ấn Độ làm cho môi trường kinh doanh của nước này kém thuận lợi hơn và giảm nguồn cung lao động công nghiệp.

Trong khi đó, các truyền thống bảo hộ cản trở khả năng của Ấn Độ trong việc áp dụng mô hình tăng trưởng xoay quanh xuất khẩu và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục