Lý do kinh tế Ấn Độ ổn định trước biến động mạnh của giá dầu

Niềm tin rằng giá dầu tăng dẫn đến lạm phát là một "mánh khóe" đối với tình trạng của Ấn Độ. Đây cũng có thể là vũ khí để chính trị hóa nền kinh tế nước này.
Lý do kinh tế Ấn Độ ổn định trước biến động mạnh của giá dầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Tạp chí Á-Âu (Eurasiareview) có trụ sở tại châu Âu đăng bài phân tích “Tại sao kinh tế Ấn Độ vẫn ổn định trước sự biến động của thị trường dầu mỏ mặc dù phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu?” với nội dung như sau: 

Sự phẫn nộ của người dân Ấn Độ đã tăng lên khi lạm phát tăng vọt và chính phủ không có khả năng kiểm soát. Người tiêu dùng Ấn Độ phản đối việc chính phủ không nắm bắt được đà tăng giá dầu và tác động đối với lạm phát. 

Lạm phát (được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng) tại quốc gia Nam Á đã tăng 6,34% trong giai đoạn 2021-2022 so với mức 5,01% trong giai đoạn 2020-2021. Tỷ lệ này đã tăng tốc trong ba tháng đầu của năm tài chính 2022-2023 (bắt đầu từ 1/4/2022) hiện tại bất chấp việc chính phủ giảm giá xăng và dầu diesel bằng cách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Có những chỉ trích gần đây về việc giá xăng, dầu diesel và khí đốt liên tục tăng. Trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2022, giá xăng và dầu diesel đã tăng 4 lần. Tuy nhiên, giá đã giảm từ cuối tháng Năm, sau khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Trong khi đó, nếu so sánh với giá ở hầu hết các nước châu Á, những nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô, giá năng lượng ở Ấn Độ hiện đang thấp hơn. 

Giá dầu tăng và lạm phát

Tuy nhiên, tại Ấn Độ, yếu tố gây ra lạm phát là các mặt hàng lương thực, thực phẩm chứ không phải giá nhiên liệu dựa trên dầu mỏ. Lạm phát lương thực đã tăng 7-8% trong hai tháng đầu năm nay, giai đoạn 2021-22, so với mức tăng 4% của giá nhiên liệu và điện. 

Lương thực, thực phẩm có tỷ trọng lớn nhất trong Chỉ số CPI trong khi nhiên liệu và điện có tỷ trọng thấp hơn. Điều này cho thấy sự gia tăng lạm phát chủ yếu là do các mặt hàng lương thực, thực phẩm. 

Trong số này cho biết tầm quan trọng của tác động ngành đối với lạm phát. Tuy nhiên, những người bị thiệt hại không muốn tin vào số liệu thống kê của chính phủ và cho rằng thực tế khác hẳn. Họ cho rằng mặc dù việc tăng giá dầu ít tác động trực tiếp hơn đến lạm phát nhưng lại có tác động gián tiếp thông qua lạm phát lương thực, thực phẩm. 

[Ấn Độ giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế do xung đột ở Ukraine]

Điều này là do hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm được vận chuyển bằng đường bộ, do vấn đề logistics trong lĩnh vực đường sắt Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Nomura lập luận rằng lạm phát lương thực, thực phẩm là do nguyên liệu đầu vào cao hơn và sự gia tăng trong MSP (Giá hỗ trợ tối thiểu). 

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ toàn cầu đối với lương thực, thực phẩm cũng có tác động đến lạm phát trong nước của Ấn Độ. 

Sự phụ thuộc vào dầu mỏ so với GDP

Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba toàn cầu. Hơn 99% lượng dầu thô cần thiết của nước này được đáp ứng bằng nhập khẩu. Việc hoạt động sản xuất dầu thô trong nước vẫn trì trệ trong bốn thập kỷ do không có sự phục hồi mới, dẫn đến sự phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu dầu thô. 

Lần tăng giá gần đây nhất của giá dầu toàn cầu là trong giai đoạn 2011-2012 và 2013-2014. Trong khoảng thời gian 3 năm này, giá dầu thô trung bình của Ấn Độ là 111 USD/thùng, so với mức giá trung bình là 77 USD/thùng trong hai năm trước đó. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức trung bình từ 5- 6% so với cùng kỳ trước đó.

Điều này là do dầu không phải là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các thông số tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ. Than mới là nguồn năng lượng chính. 

Các ngành chính của nền kinh tế, chẳng hạn như nông nghiệp và sản xuất, phụ thuộc vào năng lượng từ than. Trong bảng cân đối sử dụng năng lượng, than chiếm 65% và dầu chiếm 29% tổng sử dụng năng lượng.

Không giống như các quốc gia khác, dầu mỏ không phải là nguồn năng lượng chính cho sản xuất ở Ấn Độ. Tại đây, hơn 75% điện năng được tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Dầu chỉ chiếm dưới 2% năng lượng điện. 

Tại Ấn Độ, 60% tổng năng lượng từ dầu mỏ được sử dụng cho năng lượng vận chuyển và nấu nướng. Điều này có nghĩa là dầu mỏ không phải là năng lượng chính cho tăng trưởng công nghiệp và nông nghiệp ở Ấn Độ. 

Dầu mỏ và thương mại

Mặc dù dầu mỏ là gánh nặng nhập khẩu chính nhưng mặt hàng này đã tạo ra một xu hướng cơ cấu chính trong rổ hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu. Các chế phẩm từ dầu mỏ, tức là các sản phẩm lọc dầu, là thành phần lớn thứ hai trong giỏ hàng xuất khẩu của Ấn Độ. 

Trong năm tài chính 2021-2022, những sản phẩm này chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Như vậy, nhu cầu sử dụng tỷ lệ ngoại hối lớn để nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ được bù đắp bằng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu. 

Điều này mang lại niềm an ủi lớn cho gánh nặng nhập siêu của Ấn Độ. Do đó, quan điểm cho rằng nhập khẩu nhiều dầu thô làm gia tăng thâm hụt thương mại là một điều khó hiểu. 

Tóm lại, niềm tin rằng giá dầu tăng dẫn đến lạm phát là một "mánh khóe" đối với tình trạng của Ấn Độ. Đây cũng có thể là vũ khí để chính trị hóa nền kinh tế./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục