Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vị trí ưu tiên trong chính sách của EU?

Liên minh châu Âu (EU) đồng ý làm việc với Mỹ để hướng tới một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” nhưng người châu Âu đã tư duy một cách chiến lược về khu vực này từ lâu.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vị trí ưu tiên trong chính sách của EU? ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Trang mạng Warontherocks mới đây bình luận về việc sức mạnh tập thể của châu Âu sắp được thử nghiệm tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm châu Âu hồi giữa tháng 6/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về chính sách đối với Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ở khía cạnh nào đó, Tổng thống Biden đã thành công.

Liên minh châu Âu (EU) đồng ý làm việc với Mỹ để hướng tới một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” nhưng người châu Âu đã tư duy một cách chiến lược về khu vực này từ lâu.

Pháp, Đức và Hà Lan đã áp dụng các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Anh đã vạch ra các trụ cột của việc “nghiêng sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trong báo cáo đánh giá tổng hợp của mình.

Ngay cả EU cũng đã báo hiệu sự chuyển hướng chiến lược sang khu vực bằng cách ban hành một chiến lược sơ bộ, sẽ chính thức được thông qua vào tháng 9/2021.

[Vai trò của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Mặc dù các quốc gia châu Âu không hoàn toàn nhất trí với cách tiếp cận của Mỹ về cạnh tranh với Trung Quốc trên các lĩnh vực chính sách, nhưng đối với các đối tác của châu Âu, bao gồm cả Mỹ và các nước trong khu vực, đây vẫn là một dấu hiệu đáng khuyến khích.

Các nước châu Âu, trong vài thập kỷ qua, phần lớn chỉ giới hạn mối quan tâm của họ ở châu Á-Thái Bình Dương trong các mối quan hệ kinh tế, chủ yếu tập trung vào Trung Quốc.

Nhưng thời đại đang thay đổi. Trung Quốc vẫn đang được chú trọng, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác nhau.

Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu nói về những thách thức liên quan đến Trung Quốc bằng những thuật ngữ kín đáo, rõ ràng đó là nguyên nhân khiến họ lo ngại về sự ổn định của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nước châu Âu hiện đang tìm cách “đa dạng hóa” các quan hệ đối tác của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nỗ lực hơn với các nước như Ấn Độ và Nhật Bản.

Có những điểm hội tụ rõ ràng giữa các cách tiếp cận khác nhau của châu Âu đối với khu vực - từ phạm vi địa lý đến các nguyên tắc chính sách mà các quốc gia này tìm cách thúc đẩy và các đối tác mà họ muốn hợp tác.

Rào cản đầu tiên đã được giải quyết: các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã bắt đầu nhìn nhận Trung Quốc dưới góc nhìn mới và nhận ra rằng những diễn biến ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tác động đến châu Âu.

Nhưng giờ đây, châu Âu nên hành động vượt ra ngoài những biểu hiện quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những nguồn lực và khả năng bị hạn chế và dàn trải không đồng đều.

Cách thức phối hợp ở cấp độ EU và với Anh ra sao vẫn chưa rõ ràng. Các sáng kiến về cơ sở hạ tầng như chiến lược kết nối EU-châu Á, qua đó châu Âu có thể đóng góp thực sự cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã bị kẹt quá lâu trong các hành lang của Brussels và hiện cần được tài trợ.

Mặc dù châu Âu đã củng cố lại các mối quan hệ đối tác của mình với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, nhưng chúng vẫn được xếp sau việc can dự với chính quyền mới của Mỹ.

Một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiệu quả của châu Âu sẽ phải dựa trên việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho các khoản đầu tư, hàng hóa công của Trung Quốc - từ sự trợ giúp cụ thể như nâng cao năng lực và cung cấp vaccine đến hỗ trợ rộng rãi hơn cho pháp quyền quốc tế - và theo đuổi quan hệ đối tác trong các cơ cấu mới.

Những điểm tương đồng và khác biệt

Hai quốc gia châu Âu đang dẫn đầu những nỗ can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên ủng hộ ý tưởng can dự với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với các quan chức chính phủ công khai ủng hộ sự hiện diện chiến lược trong khu vực kể từ năm 2016.

Lý do là Pháp có các lãnh thổ hải ngoại ở cả Ấn Độ Dương (La Réunion, Mayotte và Quần đảo Scattered) và Thái Bình Dương (New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp), và 93% vùng Đặc quyền kinh tế của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 1,5 triệu công dân Pháp và 8.000 binh lính Pháp thường trú.

Không có ngạc nhiên khi Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức áp dụng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được ghi lại trong 3 tài liệu do Bộ các Lực lượng vũ trang ban hành (vào năm 2018 và sau đó được cập nhật) và Bộ phụ trách châu Âu và Ngoại giao (tháng 6/2019 và một văn bản khác vào tháng 4/2021 chuyên về các quan hệ đối tác).

Lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh và Quần đảo Pitcairn ở Thái Bình Dương.

Ít nhất 1,7 triệu công dân Anh sống ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Anh cũng có quan hệ lịch sử với khu vực thông qua Khối thịnh vượng chung và Hiệp ước phòng thủ ngũ cường với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore.

Ngoài ra, Anh có các tài sản quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (cho Mỹ thuê), cũng như các căn cứ và các cơ sở hỗ trợ và huấn luyện ở Oman, Bahrain, Singapore, Kenya, và Brunei.

Mặc dù thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mang tính toàn cầu, 4 đối tác của Anh trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) nằm trong khu vực: Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với các thành viên liên minh trên được chứng minh bằng sự phối hợp chính sách ngày càng tăng của họ về Trung Quốc.

Đối với phần còn lại của châu Âu, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực chiến lược và liên kết với nhau, ít có ý nghĩa.

Nhìn chung, châu Âu liên tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và con đường đối đầu với Trung Quốc đặc biệt không hấp dẫn.

Tuy nhiên, những căng thẳng với Trung Quốc gia tăng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến châu Âu nhận ra rằng nhiều thách thức mà họ phải đối mặt ngày nay - từ những quan ngại xung quanh vấn đề an ninh của công nghệ Trung Quốc và thông tin sai lệch, đến các công cụ kinh tế mang tính trừng phạt và ép buộc - cũng tương tự như các thách thức mà các đối tác như Australia, New Zealand, Ấn Độ và Nhật Bản phải đối mặt. Các quan hệ với Trung Quốc hiện đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác kinh tế, chính trị và an ninh của họ.

EU là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặc dù họ đang nhanh chóng mất vị thế vào tay Trung Quốc.

Các cuộc tranh luận trong nước đã thay đổi nhanh chóng. Tất cả các chiến lược của châu Âu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều cho rằng châu Âu có vai trò quan trọng trong sự ổn định của khu vực.

Phần lớn thương mại và các nguồn năng lượng của châu Âu phải đi qua các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương, và các động lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tác động trực tiếp tới an ninh và sự thịnh vượng của châu Âu.

Nhưng ngoài những lĩnh vực chung rộng lớn này, cách tiếp cận của mỗi quốc gia châu Âu đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lại khác nhau về đối tác và lĩnh vực mà họ muốn ưu tiên.

Ví dụ như Pháp đang quan tâm hơn đến việc can dự ở khu vực Ấn Độ Dương, hoặc Đức đi theo một cách tiếp cận rất thận trọng khi can dự với Trung Quốc. Điều này tạo ra tiềm năng khiến châu Âu có vai trò thiếu phối hợp và có thể không hiệu quả trong khu vực.

Các lĩnh vực chính sách trọng tâm

Các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của châu Âu tập trung vào việc “đa dạng hóa” các quan hệ đối tác khu vực ngoài Trung Quốc. Tất cả các chiến lược đều thừa nhận tầm quan trọng chủ chốt của Ấn Độ.

Trên thực tế, tất cả 27 quốc gia châu Âu đã tổ chức hội nghị cấp cao hiếm hoi với Ấn Độ vào ngày 8/5/2021, tập trung vào thương mại, công nghệ và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bốn ngày trước hội nghị trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí về “lộ trình 2030” trong nỗ lực nhằm đại tu và hình dung lại mối quan hệ đối tác Anh-Ấn Độ.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vị trí ưu tiên trong chính sách của EU? ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Reuters)

Tương tự như vậy, các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của châu Âu cũng nhất trí về tầm quan trọng của Nhật Bản và Australia.

Nhưng các chiến lược của châu Âu cũng nhấn mạnh và được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác chiến lược của EU với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi Đức tập trung vào việc củng cố các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm, Anh, sau khi rời EU, đã thành công được ASEAN đồng ý cho tái gia nhập với tư cách là “đối tác đối thoại của ASEAN."

Pháp và Anh cũng đã bắt đầu tăng cường các quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á cụ thể như Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Nhìn chung, các nước châu Âu thấy giá trị trong việc hợp lực với các “cường quốc tầm trung” để lấp đầy khoảng trống chiến lược do sự cạnh tranh Mỹ-Trung để lại.

Đâu là những lĩnh vực hợp tác thực tế nào mà châu Âu đủ năng lực và có thể gia tăng giá trị cho an ninh và thịnh vượng của khu vực? London và Paris đang tự coi họ có vai trò tham vọng nhất.

Anh tuyên bố “sẽ là đối tác châu Âu có sự hiện diện rộng rãi và tích hợp nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và Pháp đang tìm cách hoạt động như một “cường quốc trung gian hòa giải bao trùm và ổn định hóa” trong khu vực.

Các nước châu Âu khác tìm cách tăng thêm mức độ đại diện ngoại giao và sự can dự khiêm tốn ở các cấu trúc đa phương.

Việc hành động trước những thách thức như không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, cướp biển và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là đặc điểm nổi bật trong tất cả các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của châu Âu.

Anh và EU cũng đặc biệt đề cập đến an ninh mạng trong các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ, với Anh gần đây cũng công bố khoản đầu tư mới 22 triệu bảng Anh (31 triệu USD) để xây dựng sức chống đỡ an ninh mạng ở các nước đang phát triển, đặc biệt tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Phi.

Một lĩnh vực khác mà châu Âu nhận thấy có vai trò khi tham gia trong khu vực là việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho các khoản đầu tư của Trung Quốc thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), đặc biệt khi nói đến cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số.

Pháp, Đức và Hà Lan đều chỉ ra rằng “kết nối” là một khía cạnh quan trọng trong các chiến lược của họ, cả về phương diện song phương và thông qua chiến lược kết nối EU-châu Á.

Trên thực tế, EU muốn nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của họ, với tổng trị giá các khoản tài trợ là 414 tỷ euro (495 tỷ USD), có thể so sánh với khoản vay 434 tỷ euro mà Trung Quốc đã cung cấp thông qua BRI.

Trong báo cáo đánh giá tổng hợp của mình, Anh cũng đề cập đến việc sử dụng chiến lược viện trợ phát triển ở nước ngoài trong khu vực và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chất lượng, mặc dù ngân sách viện trợ của nước này đã giảm từ 0,7% xuống còn 0,5% tổng thu nhập quốc dân (GNP).

Thậm chí trong diễn đàn G7, Anh và các thành viên EU đã cam kết với sáng kiến mới “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao trên khắp thế giới.

Sự quan tâm của châu Âu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được các nước trong khu vực hoan nghênh. Trong cuộc khảo sát “trạng thái Đông Nam Á” năm 2021, EU đã đứng đầu với tư cách là đối tác đáng tin cậy và được ưu tiên hàng đầu để chống lại sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, trước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh. Tuy nhiên, những thách thức còn ở phía trước.

Mức độ can dự và sự hiểu biết về khu vực không đồng đều có nghĩa là các quốc gia thành viên châu Âu sẽ cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra một mặt trận thống nhất và gắn kết.

Do các khả năng thực thi quyền lực cứng hạn chế của mình, EU sẽ cần phải tận dụng thế mạnh tổng hợp của các thành viên.

Điều đó có thể có nghĩa là áp dụng một chương trình nghị sự chuẩn mực, tập trung vào chủ nghĩa đa phương, chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực khác nhau và cải thiện khả năng dễ dàng kinh doanh để tận dụng lợi thế của các nền kinh tế đang phát triển của khu vực.

Bằng cách can dự và hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các nước châu Âu có thể cung cấp các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc về các nguồn thương mại, đầu tư và công nghệ.

Thật đáng khích lệ khi người ta thấy chiến lược của EU và báo cáo đánh giá tổng hợp của Anh thảo luận về chuỗi cung ứng và công nghệ có sức chống đỡ, y tế toàn cầu và kết nối.

Tại đây, châu Âu có thể tham gia các cuộc thảo luận chính xung quanh các quy chuẩn, tiêu chuẩn và cung cấp hàng hóa công.

EU và Anh đều đang phát triển hơn nữa các chính sách sàng lọc đầu tư của mình để bảo vệ tài sản trí tuệ, các công nghệ và cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của họ và có thể hỗ trợ các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thiết lập các cơ chế tương tự.

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực tế chính trị có thể đòi hỏi sự thay đổi các ưu tiên ở châu Âu.

Cuối cùng, nếu các nước châu Âu không thể tạo ra được một mặt trận thống nhất và phối hợp, nỗ lực của họ sẽ không có kết quả. Sức mạnh tập thể của châu Âu sắp được thử nghiệm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục