Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới về mở cửa thị trường?

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký ngày 15/11 sẽ gửi một thông điệp rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn duy trì cam kết mở cửa và hội nhập kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Lễ ký kết Hiệp định RCEP. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Lễ ký kết Hiệp định RCEP. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới về mở cửa thị trường? ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong bài viết đăng tải trên báo Canberra Times của Australia, Tiến sỹ Jeffrey Wilson, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, nhận định rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Australia, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả thế giới.

RCEP được ký ngày 15/11 sẽ gửi một thông điệp rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn duy trì cam kết mở cửa và hội nhập kinh tế.

Một thành tựu đáng kể

RCEP là thỏa thuận thương mại đa phương với 15 thành viên thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Mục tiêu của RCEP là hài hòa các mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) "ASEAN Plus One" hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, RCEP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất từng được ký kết.

Theo dân số và quy mô kinh tế, hiệp định này là khối thương mại lớn nhất còn tồn tại, chiếm gần 1/3 GDP thế giới. Tính theo tỷ trọng thương mại toàn cầu, RCEP chỉ kém mỗi khối Liên minh châu Âu (EU), nhưng sẽ sớm vượt qua khi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

Đàm phán một thỏa thuận lớn như vậy đòi hỏi một nỗ lực "khổng lồ". Kể từ năm 2013, các chính phủ đã hoàn tất 31 vòng đàm phán chính thức và hàng tá các cuộc họp bên lề. Khủng hoảng COVID-19 đã buộc các cuộc đàm phán phải chuyển sang hình thức cuộc họp trực tuyến từ tháng Tư vừa qua, một phương thức đàm phán phi truyền thống về ngoại giao thương mại lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới.

RCEP cũng đã vượt qua những sóng gió chính trị lớn để đạt được thành công. Sự chuyển hướng toàn cầu theo chủ nghĩa bảo hộ trong khoảng thời gian gần đây đã đưa tới việc nhiều chính phủ từ bỏ chiến lược tự do hóa thương mại.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại bùng nổ một cách tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ vừa qua cũng đã làm giảm các mong muốn hợp tác kinh tế nhiều hơn nữa. Vì vậy, việc hiệp định thương mại khu vực lớn nhất từ trước đến nay của thế giới sắp được ký kết trong bối cảnh này là một thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian nữa RCEP mới có thể trở nên hoàn hảo.

Nền tảng giúp thúc đẩy sự phục hồi hậu COVID-19

Ấn Độ, một trong những thành viên sáng lập đầu tiên, đã tuyên bố rời khỏi RCEP từ năm 2019 do những khác biệt về tham vọng cắt giảm thuế quan. Những nỗ lực thực sự của các thành viên khác nhằm lôi kéo quốc gia này trở lại bàn đàm phán đã thất bại do tư tưởng bảo hộ đang gia tăng ở Ấn Độ.

[RCEP - Động lực phục hồi kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hậu COVID-19]

Là "gã khổng lồ kinh tế mới nổi" tiếp theo của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự vắng mặt của Ấn Độ đã để lại một khoảng trống lớn. Một khi cuộc khủng hoảng COVID-19 qua đi, chính sách ngoại giao sáng tạo sẽ là điều cần thiết để giúp đưa nước này trở lại với Hiệp định.

Nhưng ngay cả khi không có Ấn Độ, RCEP vẫn là công cụ được kỳ vọng giúp khởi động sự phục hồi kinh tế khu vực thời kỳ hậu COVID-19. Đầu tiên, đây là một thỏa thuận bao trùm, RCEP gồm hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn của khu vực và được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển riêng của các nước này. Đó là một lợi thế lớn của RCEP so với một hiệp định thương mại lớn khác của khu vực là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - không bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc hay toàn bộ các nền kinh tế thuộc ASEAN.

Trong khi một số ý kiến cho rằng RCEP là hiệp định thương mại "do Trung Quốc lãnh đạo," thực tế Hiệp định này lại phản ánh lợi ích của tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Thật vậy, Hiệp định ràng buộc Trung Quốc vào một mô hình đa phương và dựa trên quy tắc cho các mối quan hệ kinh tế, do đó sẽ bảo vệ các nước khác chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Thứ hai, RCEP là một thỏa thuận thương mại "thân thiện với chuỗi giá trị". Hiệp định này cung cấp một bộ quy tắc tiêu chuẩn và minh bạch cho khu vực trên các lĩnh vực đa dạng như thực tiễn thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Tất cả các điều khoản của Hiệp định đều nhằm nâng cao mức tối thiểu hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều này giúp các công ty phát triển chuỗi giá trị khu vực dễ dàng hơn. Bằng cách cung cấp một bộ quy tắc thương mại duy nhất áp dụng cho cả khu vực, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ dễ dàng "thông suốt" hơn trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thứ ba, RCEP sẽ làm cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên hấp dẫn hơn nhiều cho các hoạt động đầu tư. Tất cả các thành viên của RCEP đã đồng ý mở cửa lĩnh vực đầu tư trên cơ sở "danh mục cấm" (nghĩa là tất cả các lĩnh vực đều được mở trừ một số trường hợp đặc biệt) và nhiều nước đã giảm đáng kể các rào cản đầu tư của mình.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới để đầu tư. Nhìn chung, hiệp định này gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng khu vực vẫn "mở cửa kinh doanh" bất kể sự tàn phá của chủ nghĩa bảo hộ và đại dịch COVID-19.

Đối với Australia, RCEP dự kiến mang lại những lợi ích đáng kể. Chính sách ngoại giao thương mại của Australia trước kia thường tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia.

Các nhà kinh doanh tại nước này bị thiếu nền tảng đa phương cần thiết để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực. Bằng cách tích hợp Australia vào một cấu trúc đa phương, RCEP sẽ góp phần giúp Australia gắn kết một cách vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.

Trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, RCEP là một điều cần thiết hơn bất cứ lúc nào. Nhiệm vụ hiện tại của các chính phủ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là làm cách nào để tận dụng được hiệp định thương mại hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy sự phục hồi hậu COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục