Trên Diễn đàn chính sách của Australia, tiến sỹ John Hemmings, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Hiệp hội Henry Jackson và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định rằng song song với việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về mối quan hệ của mình với khối này, chính phủ Anh cũng đang phát triển các kết nối quân sự và hải quân tại khu vực châu Á.
Theo giới quan sát quốc tế, các nhà hoạch định chiến lược đối ngoại trong chính phủ Anh đang lặng lẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của đất nước.
Anh thừa hiểu rằng các nỗ lực họ - chẳng hạn như triển khai hải quân và tập trận quân sự với các cường quốc - không thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, vì vậy, họ thay đổi nhận thức.
[Anh vẫn duy trì sức mạnh quân sự cấp 1 của thế giới sau khi rời EU]
Có thể nói chiến lược "Nước Anh toàn cầu" đã được đưa ra đúng thời điểm đối với các nhà hoạch định chính sách của Anh.
Sau khi Trung Quốc đề ra một chiến lược ngày càng hung hăng ở Biển Đông và có những tham vọng táo bạo thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường,” các quốc gia ở khu vực đã chào đón sự can dự mới của London.
Kể từ năm 2016, Thủ tướng Anh đã nhắc tới cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Các ngoại trưởng Boris Johnson và Jerremy Hunt cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox cũng đã sử dụng thuật ngữ này.
Việc sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã giúp các nhà hoạch định chính sách Anh thích nghi với thực tế địa chính trị khu vực.
Bên cạnh đó, những động lực kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nước Anh gắn kết hoàn toàn với khu vực này.
Rất có thể, sự tăng trưởng lớn nhất trong 2 thập kỷ tới đây sẽ diễn ra trong mối quan hệ thương mại giữa Đông Á và Trung Đông. Sức mua của khu vực này được dự báo sẽ tăng gấp 8 lần từ nay cho tới năm 2030.
Sự gia tăng gấp đôi tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ diễn ra chủ yếu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đi kèm với đó là những đòi hỏi mạnh mẽ về phát triển hạ tầng, dịch vụ và thương mại.
Chiến lược “Nước Anh toàn cầu” là nhằm tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực, bao gồm các thỏa thuận tiềm năng với Australia và Ấn Độ, cùng với các thỏa thuận đang triển khai với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tháng 7/2018, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặc dù khởi điểm “Nước Anh toàn cầu” là một chiến lược thuần túy về chủ nghĩa trọng thương, song Anh cũng đã cam kết bảo vệ những gì mà Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO) gọi là hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Cam kết này cũng cho thấy sự liên kết chặt chẽ của London với các đối tác khu vực như Australia trong các cuộc đàm phán Tham vấn Bộ trưởng Australia-Anh (UNKMIN) và Nhật Bản trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc Phòng Anh-Nhật.
Mặc dù những hạn chế về địa lý và nguồn lực vẫn đè nặng lên tâm trí của Bộ Quốc phòng Anh, song Anh vẫn cố gắng tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Nhật Bản và triển khai 3 tàu chiến tới khu vực này trong vòng 1 năm qua. Một trong số đó, chiến hạm HMS Albion, đã tham gia cuộc tập trận tự do hàng hải ở Biển Đông, làm dấy lên phản ứng ngoại giao từ Bắc Kinh.
Năm 2017, Đại sứ Anh tại Washington Kim Darrock đã nói rằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng sẽ được triển khai đến khu vực này để đảm bảo "quyền tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển và đường không luôn mở."
Kết thúc bài viết, tác giả nhận định các quốc gia trong khu vực vẫn hoài nghi về khả năng can dự của Anh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nếu không có sự tiếp tục ủng hộ chính trị và nguồn lực hợp lý, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ không thể thành công.
Thậm chí, trong trường hợp chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May sụp đổ, không rõ chiến lược này có được tiếp tục thực hiện hay không.
Khi Anh đàm phán lại mối quan hệ của mình với châu Âu cũng là lúc nước Anh nhìn thấy một vị thế toàn cầu mới, cho phép nước này có khả năng can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với sức mạnh gia tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi quan trọng chưa có lời giải đáp trước khi London có thể thực hiện chiến lược “Nước Anh toàn cầu” đúng như tên gọi của nó./.