Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách của Nga

Nhiều chuyên gia Nga cho rằng "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chính là địch thủ của "Lục địa Lớn Á-Âu" - quan điểm mà Nga đang hết sức thúc đẩy.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách của Nga ảnh 1Quốc kỳ của Nga. (Nguồn: Collins Flags)

Theo trang mạng expert.ru, Trung Quốc không hề thích - nếu không muốn nói là sợ - thuật ngữ "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Lãnh đạo Trung Quốc lo ngại Mỹ sẽ sử dụng thuật ngữ này để tích cực thúc đẩy sáng kiến thành lập một liên minh gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, tạo thành nền tảng an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Giống như Trung Quốc, Nga cũng không thích thuật ngữ này, một phần vì không muốn thuật ngữ này làm cho Bắc Kinh lo lắng, một phần vì nghi ngờ âm mưu của Mỹ. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia Nga cho rằng "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chính là địch thủ của "Lục địa Lớn Á-Âu" - quan điểm mà Nga hết sức thúc đẩy.

Tuy nhiên, trang mạng expert.ru cho rằng Nga không có lý do gì để phản đối “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” bởi “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” không hề là đối thủ của "Lục địa Lớn Á-Âu", mà ngược lại còn bổ sung cho nó.

Để vận chuyển hàng hóa từ Mumbai (Ấn Độ) đến Moskva (Nga) thì hành lang đường bộ Bắc-Nam là thích hợp nhất, từ Chennai (Ấn Độ) đi Vladivostok (Nga)có tuyến đường biển.

"Lục địa Lớn Á-Âu" tập trung vào đường bộ, còn “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tập trung vào đường biển, bao gồm cả các vùng biển lân cận với vùng duyên hải châu Á của "Lục địa Lớn Á-Âu."


[Báo Italy nhận định Nga đang thiết lập một trật tự quốc tế mới]

Khu vực nằm ở vị trí giao nhau giữa hai cấu trúc lớn nói trên là có lợi nhất, trong đó có vùng Viễn Đông của Nga, vùng phải trở thành trạm trung chuyển và cung ứng, hay một trung tâm công nghiệp lớn.

Trang mạng expert.ru cho rằng Nga cần có quan điểm riêng về “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, trong đó khu vực Viễn Đông không còn là vùng đất bị bỏ quên bên lề nền văn minh, mà là cực Bắc chính của “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là cửa ngõ để khí đốt và dầu mỏ đi từ các biển vùng cực vào “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” là trung tâm sản xuất công nghệ cao đầy triển vọng.

Đối tác then chốt của Nga ở đây ngoài Trung Quốc còn có Hàn Quốc, các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ - đối tác chiến lược của Nga từ thời Xô viết đang rất quan tâm đến việc khai thác tài nguyên ở miền Đông của Nga.

Chính ở quan điểm này mà “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có lợi cho Nga: nó gắn liền với không gian địa lý đồng nhất của Vladivostok, Hà Nội và Chennai, Petropavlovsk, Singapore và Bangalore.

Hợp tác giữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là một trong những đề tài chính của Hội nghị “Châu Á xoay trục trong thế giới xoay trục” sẽ diễn ra tại Kuala-Lumpur ngày 21-22/11/2018, do Câu lạc bộ Valdai và Viện nghiên cứu quốc tế Malaysia tiến hành.

Nga, các nước ASEAN, Đông-Bắc Á và Ấn Độ đều quan tâm đến một "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cởi mở, tự do, không đối đầu, bổ sung chứ không xung đột với "Lục địa Lớn Á-Âu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục