Trong nỗ lực nhằm góp phần tăng cường quan hệ với Bangladesh và Myanmar, Ấn Độ sẽ sớm triển khai dịch vụ vận tải đường thủy thường xuyên tới hai nước láng giềng liền kề này.
Báo The Economic Times ngày 28/8 cho biết, công ty Shipping Corporation of India (SCI) có thể bắt đầu mở các tuyến vận tải đường thủy mới giữa Ấn Độ và Myanmar bằng việc sử dụng các tàu container vào tháng 10 tới, trong khi việc thử nghiệm các tàu thương mại trên các tuyến bờ biển Ấn Độ-Bangladesh cũng sẽ triển khai trong tháng đó.
Theo các quan chức Ấn Độ, các tuyến vận tải đường biển thường xuyên giữa các cảng của Bangladesh và các cảng ở miền Đông Ấn Độ như Paradip và Haldia có thể bắt đầu vào cuối năm nay.
Với việc đưa các tuyến vận tải đường thủy trực tiếp giữa Ấn Độ và Myanmar vào họat động, thời gian quá cảnh hàng xuất khẩu của Ấn Độ tới Myanmar và hàng Ấn Độ nhập khẩu từ nước này sẽ giảm đáng kể.
Hiện nay chưa có dịch vụ vận tải đường thủy thường xuyên giữa Ấn Độ và Myanmar. Các tàu chỉ hoạt động khi gom đầy hàng. Ấn Độ và Myanmar đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại lên 3 tỷ USD vào năm 2015.
Nhằm thúc đẩy hoạt động vận tải dọc bờ biển Ấn Độ-Bangladesh, Cục vận tải đường thủy Bangladesh tuần trước đã gửi thư cho cơ quan tương ứng của Ấn Độ thông báo rằng họ đã có trong tay danh sách 18 tàu của các chủ tàu đăng ký tham gia. Những tàu này sẽ được kiểm tra tiêu chuẩn vào đầu tháng 9 để đưa vào họat động.
Hồi tháng 6/2014, Ấn Độ và Bangladesh đã ký thỏa thuận thông qua thủ tục họat động theo quy chuẩn (SOP) cho các tàu thủy hoạt động dọc bờ biển hai nước. Bangladesh đang xây dựng một cơ chế, theo đó, công ty bảo hiểm Sadharan Bima Corporation sẽ có chính sách bảo hiểm đối với các tàu hoạt động dọc bờ biển, tương đương 10 triệu USD.
Theo nghị định thư hiện nay, chỉ có tàu nhỏ họat động trên các con sông liên thông giữa Ấn Độ và Bangladesh.Việc triển khai dịch vụ vận tải đường thủy thường xuyên không những giảm gánh nặng về mạng lới giao thông đường bộ, mà còn tăng cường hoạt động thương mại giữa hai nước./.