Ấn Độ quan ngại Trung Quốc gia tăng hành động ở Biển Đông

Ấn độ đã bày tỏ sự quan ngại và nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc duy trì sự tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp bởi Trung Quốc và 5 nước Đông Nam Á.
Ấn Độ quan ngại Trung Quốc gia tăng hành động ở Biển Đông ảnh 1Tàu Trung Quốc phun vòi rồng có công xuất lớn vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)

Mạng tin tức India Writes Network (IWN) có bài bình luận với tựa đề ''Ấn Độ quan ngại Trung Quốc gia tăng hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.''

Vietnam+ xin đăng tải nội dung chính của bài viết (Quan điểm trong bài viết là của tác giả):

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang gia tăng, Ấn độ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại và nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc duy trì sự tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp bởi Trung Quốc và 5 quốc gia Đông Nam Á.

Phản ứng cứng rắn của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm hai ngày sau sự kiện đụng tàu xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, sau khi Tập đoàn Dầu khí của Trung Quốc đưa giàn khoan hiện đại tới khu vực quần đảo Trường Sa mà hai nước đang tranh chấp.

Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông, như tường thuật của Việt Nam là tàu của Trung Quốc đã đâm vào tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng tấn công hải quân Việt Nam.

Coi động thái của Trung Quốc là “bất hợp pháp,” Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) về, và rút lực lượng tàu của mình khỏi khu vực này.

Tại Hà Nội, Phó Tư lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết tàu của Trung Quốc đã va chạm với tàu của Việt Nam ít nhất 3 lần hồi tuần trước, Trung Quốc “chủ động dùng vòi rồng tấn công tàu bảo vệ của Việt Nam,” “Tình hình hiện tại rất căng thẳng,” 6 tàu cá của Việt Nam đã bị hư hỏng.

Mối quan tâm toàn cầu

Những tranh chấp lãnh thổ mới đây nhất và việc Trung Quốc quyết định đưa giàn khoan dầu vào Biển Đông đã dấy lên sự lo ngại của quốc tế về khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố một cách cứng rắn rằng đây là khu vực chủ quyền có lợi ích cốt lõi.

Đã tham gia hợp tác về nhiều mặt với các nước ASEAN, Ấn Độ nhanh chóng tái khẳng định tính cấp thiết của tự do hàng hải tại Biển Đông và vấn đề này cần được giải quyết thông qua Luật biển Quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phát biểu tại New Delhi rằng “chúng tôi đã theo dõi sự kiện này với mối lo ngại ngày càng gia tăng. Chúng tôi tin rằng việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực là lợi ích cốt lõi của cộng đồng quốc tế.”

New Delhi nhấn mạnh rằng có thể xem việc “giải quyết tranh chấp trong hoà bình có nghĩa là sử dụng những thoả thuận đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận.”

“Trong bối cảnh này, chúng ta cần duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông không bị gián đoạn và kêu gọi hợp tác để đảm bảo an ninh tuyến biển và tăng cường an ninh hàng hải.”

Cuộc đàm thoại căng thẳng tại Hà Nội

Những bình luận của các chuyên gia về động thái của Trung Quốc đã tạo ra sự căng thẳng và giận dữ trong dư luận tại Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ, tờ báo hàng đầu của Việt Nam, đã đăng tin “Việt Nam sẽ phản công nếu tàu của Trung Quốc còn tiếp tục tấn công tàu Việt Nam.”

Trung Quốc tìm cách xoa dịu sự kiện này thông qua lời phát biểu một cách tự tin của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cheng Guoping rằng hai nước sẽ giải quyết vụ việc thông qua đàm phán.

Tuần trước, Trung Quốc đã đưa ra thông báo rằng họ sẽ đưa giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí quốc gia CNOOC tới khu vực quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Việt Nam 220Km. Đây là khu vực Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong khi đó Trung Quốc lại khẳng định đây là khu vực thuộc lãnh hải của mình và nhấn mạnh rằng họ có lợi ích hợp pháp tại khu vực này.

Mỹ phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc

Washington đã nhanh chóng tỏ rõ sự khó chịu với hành động của Trung Quốc và xem đây như là một sự khiêu khích. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nhanh chóng tới Hà Nội và thúc giục hai bên “kiềm chế các hành động đơn phương.”

Ông nhắc nhở hai nước rằng nền kinh tế toàn cầu “quá mong manh để có thể chịu đựng ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng mới, thậm chí có thể biến thành xung đột.”

Ông Russel cho biết: “Mọi quốc gia đều có quyền lên tiếng bảo vệ quan điểm và chủ quyền lãnh thổ của mình. Tuy nhiên Mỹ mong muốn những tuyên bố này phải mang tính ngoại giao và nội dung phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có hiệp ước về luật biển của Liên hợp quốc.” Ông nhấn mạnh trách nhiệm của Trung Quốc là phải đưa ra được bằng chứng rằng hành động của mình phù hợp với hiệp ước.

Thông điệp ở đây là gì?

Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng giàn khoan có khả năng tham dò dưới 3.000m nước trị giá 1 tỷ đôla Mỹ này là một phần trong chiến lược khai thác khu vực giàu tài nguyên trong vùng tranh chấp của Trung Quốc. Đây rõ ràng là thông điệp về khu vực địa chính trị này của Bắc Kinh.

Ernest Bower và Gregory Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc gia Mỹ cho biết thật ra Trung Quốc đã triển khai giàn khoan này ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du ở châu Á “nhằm thử phản ứng của Việt Nam, các nước hàng xóm trong khu vực ASEAN và của Mỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục