Ấn Độ và Mỹ ký kết lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng

Hai bên xác định các cơ hội hợp tác phát triển công nghệ mới, hợp tác sản xuất các hệ thống hiện có và mới, đồng thời tạo điều kiện tăng hợp tác giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng 2 nước.
Ấn Độ và Mỹ ký kết lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. (Nguồn: Reuters)

Nguồn tin chính phủ cho biết Ấn Độ và Mỹ đã ký kết Lộ trình Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng trong vài năm tới, một động thái được cho là sẽ thúc đẩy tham vọng sản xuất quốc phòng của cường quốc châu Á này.

Lộ trình trên đã được ký tại cuộc gặp vào ngày 5/6 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay trong cuộc đàm phán tại New Delhi, Bộ trưởng Singh và người đồng cấp Austin "đặc biệt tập trung vào việc xác định những cách thức tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng. Cả hai bên xác định các cơ hội hợp tác phát triển công nghệ mới và hợp tác sản xuất các hệ thống hiện có và mới, đồng thời tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng của hai nước."

Để đạt được các mục tiêu này, hai bên đã ký kết Lộ trình Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, theo đó hướng dẫn định hướng chính sách trong vài năm tới.

Thỏa thuận đạt được vài tuần trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden ngày 22/6.

[Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ ghi nhận đà tăng ấn tượng]

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Austin cho biết ông đã có các cuộc hội đàm hữu ích với Bộ trưởng Singh và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval.

Theo Bộ trưởng Austin, Quan hệ Đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ đang tiếp tục phát triển nhanh chóng và hai bên đang xem xét tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh đó, ông cũng mô tả Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn cầu Ấn Độ-Mỹ là "nền tảng" cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ấn Độ, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, phụ thuộc gần 50% vào nguồn cung cấp khí tài quân sự của Nga, nhưng cũng ngày càng đa dạng hóa các nguồn mua từ Mỹ, Pháp và Israel...

New Delhi cũng muốn các nhà sản xuất quốc phòng toàn cầu hợp tác với các công ty Ấn Độ và sản xuất vũ khí cũng như thiết bị quân sự ở Ấn Độ để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục