Ấn Độ và Nepal đã đồng ý phối hợp giải quyết những mối lo ngại của nhau về thương mại và quá cảnh, trong đó có việc giảm hàng rào thuế quan và kiểm soát buôn lậu qua biên giới hai nước.
Quyết định này được đưa ra tại hội nghị Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nepal kết thúc tại thủ đô Kathmandu của Nepal ngày 23/12.
Hội nghị đã nhất trí chương trình nghị sự gồm 14 điểm nhằm tăng cường thương mại, thúc đẩy hợp tác và giải quyết những mối lo ngại của giới doanh nghiệp, đặc biệt khu vực tư nhân tại cả hai nước.
Nepal đồng ý điều chỉnh 5% phí cải cách nông nghiệp đánh vào hàng nông sản nhập khẩu từ Ấn Độ.
Về phần mình, Ấn Độ nhất trí giải quyết những khó khăn liên quan đến xuất khẩu sách, báo của Nepal. Hai bên đồng ý tạo điều kiện cho nước thứ ba xuất và nhập khẩu nhằm xây dựng hạ tầng trong các điểm hải quan được xác định mới; hai bên nhất trí triển khai thực hiện các hiệp định và văn bản ghi nhớ đã ký trước đây.
Trưởng phái đoàn Nepal, Thứ trưởng Thương mại Madhav Prasad Regmi cho biết hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận hiệu quả và chia sẻ những hiểu biết chung trong các lĩnh vực liên quan đến quá cảnh và kiểm soát buôn bán bất hợp pháp. Hai bên cũng giải quyết nhiều vấn đề song phương quan trọng vốn bị lãng quên lâu nay.
Các cuộc thảo luận đã làm rõ nhiều vấn đề quan tâm chung liên quan đến thương mại và quá cảnh. Ông Regmi nhất trí với quan điểm của Trưởng phái đoàn Ấn Độ, Thứ trưởng Thương mại S.R. Rao rằng Nepal phải hành động nhiều hơn nữa để giảm thâm hụt thương mại và Ấn Độ có thể giúp Nepal về vấn đề này.
Về phần mình, ông Rao cho biết Ấn Độ công nhận sự cần thiết phải điều chỉnh cán cân thương mại để làm cho quan hệ thương mại giữa hai nước bền vững hơn. Ban đầu hai bên chỉ xem xét đến thương mại hàng hóa, cần phải tăng cường thương mại trong dịch vụ và đầu tư để cân bằng thương mại. Ấn Độ đồng ý cung cấp cho Nepal 10.000 con bò nhằm đáp ứng nhu cầu sữa và các sản phẩm về sữa của nước này.
Ấn Độ cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật, giúp Nepal tăng tính cạnh tranh về xuất khẩu trong những lĩnh vực mà chính phủ nước này yêu cầu.
Theo ông Rao, các nguồn tài nguyên dồi dào của Nepal như tiềm năng thủy điện, có thể được khai thác vì sự thịnh vượng của nước này, đồng thời nguồn điện dư thừa có thể xuất khẩu sang Ấn Độ và các nước khác./.