An Giang đón 200.000 lượt du khách mỗi ngày Tết

Trong những ngày nghỉ Tết, các điểm du lịch trong tỉnh An Giang đã thu hút bình quân mỗi ngày gần 200.000 lượt khách trong, ngoài tỉnh.
Trong những ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn, điểm vui chơi, du lịch trong tỉnh An Giang đã thu hút bình quân mỗi ngày gần 200.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh.

Do chủ động đầu tư, cơ sở hạ tầng, đưa về nhiều trò chơi mới lạ, phong phú ngay từ trước Tết như Hội diễn Lân nghinh Xuân, biểu diễn nhạc dân tộc Khmer, Chăm, đặc biệt là ẩm thực “Bánh xèo núi trứng đà điểu châu Phi” tại khu du lịch đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn)…, nên các khu, điểm giải trí, du lịch trong tỉnh đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi.

Đến với khu du lịch Nguyễn Văn Thoại (huyện Thoại Sơn), du khách được đi xe lửa vòng quanh thị trấn, tham gia thi đấu võ cổ truyền, đua thuyền rồng, thi nấu bánh tét… Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) tổ chức 30 xe trung chuyển an toàn lên đỉnh Núi Cấm để du khách tham quan và hành hương lễ Phật. Đồng thời phục vụ sản phẩm du lịch đặc trưng như thổ cẩm Chăm, Khmer, đường thốt nốt, khô mắm các loại để du khách mang về làm quà cho người thân, bạn bè.

Tết năm nay, nhiều công ty lữ hành, doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Du lịch An Giang, Công ty Mê Kong, Công ty Lữ hành Du lịch Xanh, Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang… đã khai thác và mở nhiều tour đến các khu, điểm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan giải trí của nhân dân. Điển hình là tour du lịch trên trên tuyến đường bộ và trên sông Hậu, tuyến từ thị xã Châu Đốc - Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), tham quan làng bè Châu Đốc, Làng Chăm Châu Phong, có phục vụ văn nghệ đặc thù của dân tộc Chăm và đờn ca tài tử Nam Bộ.

An Giang được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh thắng đẹp mang nhiều sắc thái du lịch tín ngưỡng tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nhiều công trình, kiến trúc văn hóa, lịch sử cách mạng như khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên); khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn); Chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc); Khu Du Lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); Khu di tích văn hóa du lịch Óc Eo (Thoại Sơn)…

Với phong phú cảnh quan thiên nhiên sông nước, đồi núi ghi dấu ấn lịch sử truyền thống yêu nước quan trọng, đã được các công ty, doanh nghiệp khai thác triệt để, phục vụ thiết thực nhu cầu hưởng thụ văn hóa vật chất, tinh thần trong các ngày Tết cổ truyền của nhân dân./.

Thu Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục