Trước sự việc gần đây có một số thương lái tìm đến hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang mua cây thốt nốt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang về việc đề xuất quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển cây thốt nốt - cây đặc thù vùng đồng bào dân tộc Khmer An Giang, nhằm duy trì, bảo vệ một trong những giống cây bản địa, đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang.
Văn bản nêu rõ cây thốt nốt là cây có giá trị kinh tế, cây xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong việc mua bán các sản phẩm từ cây thốt nốt (đường thốt nốt, nước thốt nốt…) cho khách du lịch. Đồng thời cây thốt nốt cũng là cây có khả năng bảo vệ cảnh quan môi trường, chống xói mòn… Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu việc bán cây thốt nốt sẽ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của bà con.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo Công an tỉnh sớm tiến hành xác minh, tìm hiểu mục đích của của các thương lái mua cây thốt nốt để có giải pháp quản lý phù hợp, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung cây thốt nốt vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, khoảng một tháng nay tại hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, nhiều thương lái từ nơi khác tìm đến đây mua cây thốt nốt với giá từ 250.000 đến 500.000 đồng/cây. Hiện tại trên địa bàn hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, các "đầu nậu" đã có thỏa thuận cung cấp cho thương lái khoảng 6.000 cây thốt nốt, nhằm bán lại cho các đơn vị ở các tỉnh phía Bắc để trồng trong các công viên, biệt thự, quán càphê sân vườn. Khoảng một tháng lại đây, đã có 190 cây thốt nốt bị bán cho thương lái.
Do cây thốt nốt không nằm trong danh mục các loài được ưu tiên bảo vệ, cũng không thuộc đối tượng của quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ, nên hiện việc mua bán, vận chuyển cây thốt nốt không có chế tài xử lý. Do đó, Sở đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền để bà con hiểu rõ giá trị cây thốt nốt về kinh tế, về môi trường và cảnh quan đặc thù gắn với đời sống và văn hóa của vùng Bảy Núi An Giang.
Hiện có nhiều thương lái tới xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên - một trong các xã có số lượng cây thốt nốt bị bán nhiều trong thời gian gần đây, hỏi mua cây thốt nốt có độ tuổi từ 10 đến 20 năm, dáng đẹp, cao từ 3-5m với giá từ 250.000-500.000 đồng/cây.
Theo anh Chau Quắn, ở ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, cây thốt nốt được trồng nhiều ở đây, chủ yếu là trong vườn nhà hoặc dọc theo bờ đê ruộng, do nhiều thế hệ vun trồng. Do giá trị cây thốt nốt thấp nên khi có người hỏi mua được giá là bà con bán ngay, nếu không bán thì bà con cũng chặt hoặc đốt bỏ.
Theo bà Đặng Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Văn Giáo, việc bán cây thốt nốt sẽ giúp bà con có tiền ngay, nhưng hệ quả lâu dài là rất lớn bởi từ xưa đến nay, tuy thu nhập từ cây thốt nốt thấp nhưng bền vững, lâu dài và góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Cây thốt nốt gắn bó với đời sống của bà con người Khmer. Cây thốt nốt trồng khoảng 20 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ trồng cây rồi cho hộ khác thuê cây thốt nốt để khai thác nước làm đường thốt nốt, một năm cũng cho thu nhập khoảng 600.000 đồng/cây.
Toàn tỉnh An Giang hiện nay có khoảng 65.000 cây thốt nốt, phân bố chủ yếu ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Cây thốt nốt từ xưa đã được bà con Khmer nơi đây khai thác nước để nấu thành đường thốt nốt - một đặc sản chỉ có ở An Giang. Bên cạnh đó, nước và quả thốt nốt cũng được bà con chế thành nước giải khát, là thức uống rất được khách du lịch khi đến vùng Bảy Núi An Giang ưa chuộng./.