An Giang: Kỳ vọng vào xuất khẩu trong những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục có sự tăng trưởng, nhất là các mặt hàng nông sản được coi là cơ sở để An Giang kỳ vọng xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính từ nay đến cuối năm.
An Giang: Kỳ vọng vào xuất khẩu trong những tháng cuối năm ảnh 1Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục có sự tăng trưởng, nhất là mặt hàng gạo, cá tra, rau quả đông lạnh...

Dù tốc độ tăng trưởng chưa thật sự ấn tượng, song, đây là những tín hiệu vui, là cơ sở để An Giang kỳ vọng xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính so với cùng kỳ và đạt kịch bản tăng trưởng của năm 2023.

Kinh tế phục hồi ấn tượng

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng mạnh như hiện nay được xem là “thời cơ vàng” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có An Giang.

Kết quả 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đạt hơn gần 7.000 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, mảng lương thực (lúa, gạo) tiếp tục là “đầu tàu,” mang về gần 5.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ.

“Những lệnh cấm xuất khẩu của một số nước trên thế giới hiện nay không ảnh hưởng đến tình hình lúa gạo của Việt Nam; ngược lại, chúng ta đang có khả năng bán được nhiều hơn, dựa trên diện tích lúa có thể tăng được. Đặc biệt, vụ Thu Đông 2023, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tăng thêm 50.000-60.000 ha lúa, tương đương với 100.000-150.000 tấn gạo ra thị trường quốc tế. Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới,” ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ.

[An Giang khai thác lợi thế phát triển kinh tế biên mậu]

Theo ông Thuận, để đón đầu cơ hội, hiện nay Lộc Trời đang dự trữ 200.000 tấn gạo và có những hợp đồng mới, sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến giữa tháng 11/2023. Mỗi ngày, tập đoàn chi từ 50-70 tỷ đồng mua lúa ở các vùng liên kết. Lượng lúa vẫn tiếp tục về đều đặn trong suốt vụ Hè Thu, Thu Đông 2023, đảm bảo sản lượng và giá hợp đồng đã cam kết với đối tác nhập khẩu nước ngoài.

Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Huỳnh Thanh Tùng nhận định tình hình giá lúa gạo hiện nay là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

“Angimex đang tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền vững với nông dân, bạn hàng, đối tác, khách hàng để ổn định về mặt nguyên liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đảm bảo duy trì tính ổn định cho hoạt động thu mua, sản xuất và tiêu thụ cả khi thị trường biến động,” ông Huỳnh Thanh Tùng khẳng định.

An Giang: Kỳ vọng vào xuất khẩu trong những tháng cuối năm ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh trong 9 tháng của năm 2023 ước đạt 889 triệu USD, tăng 3,24% so cùng kỳ và đạt 75,98% so với kế hoạch năm (1.170 triệu USD); trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 440.500 tấn, giá trị 249 triệu USD, tăng 11,56% về sản lượng và tăng 14,55% về kim ngạch so cùng kỳ; xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 12.000 tấn, tương đương 18 triệu USD; các hộ kinh doanh xuất khẩu rau quả sang Campuchia đạt 106.000 tấn, giá trị 30,7 triệu USD…

Về thị trường, 9 tháng năm 2023, châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore…) là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất; tiếp đến là thị trường châu Phi (Ghana…), châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Bỉ, Thụy Điển …), châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Canada) và châu Đại Dương.

Phát huy thế mạnh kinh tế biên mậu

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hùng, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến kinh tế và sức mua của người tiêu dùng giảm, kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của lạm phát vẫn còn ở mức cao; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU... đã làm sức tiêu thụ cá tra chậm; giá thức ăn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ; đơn hàng mới giảm 10-15%... điều này đã khiến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

An Giang: Kỳ vọng vào xuất khẩu trong những tháng cuối năm ảnh 3Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

“Các doanh nghiệp tận dụng ưu thế hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu còn hạn chế, đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt Nam-EU. Do đó thị trường EU, nông sản xuất khẩu của tỉnh còn hạn chế. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao…” - ông Nguyễn Minh Hùng phân tích.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhận định, về lâu dài, để tận dụng tốt thời cơ xuất khẩu gạo hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục mở rộng vùng trồng để tăng sản lượng lúa cho xuất khẩu; tổ chức sản xuất lớn bắt đầu từ đơn hàng; xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân bón, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Đồng thời, đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp, như EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia.

Để hoàn thành kịch bản tăng trưởng của năm 2023 (7,36%), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết những tháng còn lại của năm 2023, An Giang sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư; trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên cho xuất, nhập khẩu, nhất là các ngành hàng chủ lực, sản phẩm thế mạnh.

Tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế biên mậu; tập trung triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, ổn định và phát triển hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang; tiếp tục hỗ trợ địa phương huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu.

Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là cơ hội kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch, tỉnh An Giang khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến mại, bình ổn giá, liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch; đẩy mạnh kênh mua sắm online; tổ chức các sự kiện liên quan đến ngày hội mua sắm, giải trí, ẩm thực… để thu hút người dân và du khách.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cập nhật thông tin xuất khẩu từ các Tham tán thương mại ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương.

Tỉnh đẩy mạnh thông tin nhằm góp phần đưa các thông tin liên quan tới các hiệp định thương mại tự do, phòng vệ thương mại cũng như các chế độ chính sách liên quan tới xuất nhập khẩu đến doanh nghiệp. Bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường các sản phẩm gắn với tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.

Cùng với đó, An Giang sẽ tăng cường khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường đưa hàng hóa Việt Nam vào diện cảnh báo điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, thương nhân của tỉnh tham gia các chương xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ… do Bộ Công Thương, các bộ, ngành trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị nước ngoài tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục