An ninh kinh tế thế giới: Cần một nỗ lực đổi mới toàn cầu

Sự mong manh của các nền kinh tế và chuỗi cung ứng trong việc hấp thụ các cú sốc từ đại dịch COVID-19 đòi hỏi phải có sự đổi mới về tư duy an ninh kinh tế.
An ninh kinh tế thế giới: Cần một nỗ lực đổi mới toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài viết “An ninh kinh tế: Cần một nỗ lực đổi mới toàn cầu” đăng trên trang của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế Chatham House, chuyên gia Theo Beal nhận định một bài học đắt giá mà các công ty, quốc gia và liên minh quốc tế rút ra từ đại dịch COVID-19 là sự mong manh của các nền kinh tế và chuỗi cung ứng trong việc hấp thụ các cú sốc đòi hỏi phải có sự đổi mới về tư duy an ninh kinh tế.

Sự xuất hiện của thuật ngữ “an ninh kinh tế”

Nội dung bài viết cho biết, bất chấp những thành công đáng kể của khu vực tư nhân trong việc cung cấp hàng hóa trên toàn cầu, việc đánh giá lại công tác chuẩn bị cùng với tâm lý thận trọng trước những mối đe dọa kinh tế từ bên ngoài hiện đang được đẩy mạnh hơn kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong năm 2018 và 2019.

Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của thuật ngữ "an ninh kinh tế" quốc gia trong từ vựng của các cơ quan hành chính toàn cầu và chắc chắn sẽ tiếp tục được khuếch đại bởi tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đối với thương mại và nguồn cung ứng trong các lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp quan trọng.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thành lập Bộ trưởng chuyên trách về An ninh Kinh tế và đang trong quá trình lập dự luật An ninh Kinh tế mang tính bước ngoặt.

Tương tự, Australia đã thành lập Văn phòng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong cơ sở hạ tầng chính phủ và đối tác Sáng kiến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng khu vực với Ấn Độ và Nhật Bản để làm giảm thiểu các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế của nước này.

[Dự báo thế giới năm 2022: Sáu mối lo lớn tác động toàn cầu]

Tuy nhiên, đây thực sự là một mối quan tâm toàn cầu. Trong năm Chủ tịch Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 2021, Anh lập luận rằng, "cần có một bước thay đổi trong quản trị kinh tế toàn cầu" với trọng tâm mới là quản lý tập thể các rủi ro chuỗi cung ứng và kinh tế.

Những vấn đề cơ bản của an ninh kinh tế

Khái niệm an ninh kinh tế liên quan đến một loạt các vấn đề và yếu tố, có mối liên hệ với nhau, chẳng hạn như sàng lọc đầu tư, các công cụ chống cưỡng chế và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Tập trung vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, có ba vấn đề cơ bản mà các quốc gia cần xem xét.

Thứ nhất, hiểu biết chung về an ninh kinh tế. Các quốc gia cần có sự minh bạch và có cùng quan điểm về định nghĩa cụ thể của an ninh kinh tế và các chính sách chiến lược làm nền tảng. Điều này sẽ hỗ trợ việc tạo ra một khuôn khổ rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện hợp tác trong vấn đề mà các chính sách hiện tại đang chồng chéo lên nhau. Khó khăn nằm ở chỗ, các chế độ an ninh kinh tế quốc gia đòi hỏi sự cân bằng giữa thiết kế chính sách phòng thủ và tấn công tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia.

Chẳng hạn, Nhật Bản thừa nhận có sự đấu tranh giữa việc bảo vệ tài sản và chuỗi cung ứng của họ trước các lỗ hổng bảo mật (thông qua việc không tiết lộ bằng sáng chế và tăng cường cơ sở hạ tầng cốt lõi), đồng thời vẫn là một thành viên tích cực của một hệ thống thương mại tự do phát triển mạnh.

Tương tự, Mỹ cũng đã nhấn mạnh đến việc sẵn sàng làm việc với các đối tác để “tăng cường và đa dạng hóa toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng về lâu dài,” trong khi rõ ràng rằng việc tự bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc là trọng tâm trong mối quan tâm an ninh kinh tế phòng thủ của Mỹ đối với nguồn cung, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tăng cường các quy tắc thương mại chống lại các hành vi ngoại thương không công bằng.

Thứ hai, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoại giao và bền vững. Các quốc gia cần thiết kế lại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn sản xuất duy nhất, đây là trọng tâm của các biện pháp giảm thiểu đối với những quốc gia đang tìm cách tăng cường an ninh kinh tế.

Quá trình này có thể gây ra căng thẳng ngoại giao khi các quốc gia đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị trong các lĩnh vực quan trọng.

Đáng chú ý nhất là trữ lượng khoáng sản đất hiếm dùng cho chất bán dẫn (quan trọng đối với việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao) do Trung Quốc thống trị. Điều này được đề cập rõ ràng trong các chiến lược của các khu vực kinh tế quan trọng và nhạy cảm như Nhật Bản, Mỹ và Anh.

Việc đa dạng hóa cần có cân nhắc đến tính bền vững và các tác động đến môi trường, cũng như khả năng áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn về tái chế và tái sử dụng vật liệu.

Đa dạng hóa dẫn đến các phương pháp tiếp cận như thiết lập khả năng sản xuất dư thừa và dự trữ các sản phẩm có thể bảo vệ khỏi các cú sốc trong tương lai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc cung cấp sản phẩm thích ứng với nhiều nguồn có thể khiến việc quản lý và giảm thiểu rủi ro trở nên khó khăn hơn.

Các chính phủ ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế cần xác định vai trò của mình trong việc điều chỉnh quan hệ đối tác công tư, khi các nền kinh tế cố gắng đồng thời vừa bảo vệ chính mình (như giảm thiểu trước các mối đe dọa như tấn công mạng) và phát triển (như thông qua việc sử dụng tiến bộ công nghệ).

Thứ ba, vai trò của các thể chế đa phương. Giữa các cường quốc toàn cầu có sự đồng thuận rằng cam kết đa phương có lợi cho việc lấp đầy các lỗ hổng của chuỗi cung ứng và đa dạng hóa xuất nhập khẩu thành công.

Giữa hàng loạt các định chế quốc tế, cần phải có sự rõ ràng về cách mỗi tổ chức sẽ đóng những vai trò cụ thể và bổ sung cho nhau trong việc đạt được các mục tiêu an ninh kinh tế, đặc biệt là ở mức độ nào họ có thể làm cầu nối cho thỏa thuận giữa các cường quốc cạnh tranh.

Với tư cách là một trong những thành viên hàng đầu, Mỹ luôn trích dẫn những lợi ích của diễn đàn G7 và Nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Trong khi đó, Anh coi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là một tổ chức điều phối thích hợp để phát triển các phương pháp tiếp cận đa phương về khả năng phục hồi kinh tế.

Có thể thấy, điều phối thương mại hiệu quả là điều tối quan trọng trong hành trình hướng tới an ninh kinh tế. Việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liệu có đủ khả năng thúc đẩy một môi trường hợp tác giữa các thành viên và điều chỉnh chính sách thương mại một cách thích hợp hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Việc sửa đổi các hiệp định thương mại tự do ở cấp độ song phương và khu vực có thể hiệu quả hơn trong việc tăng cường đa dạng hóa xuất khẩu và nhập khẩu một cách bền vững cho các nước thành viên. Việc Anh xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gần đây được thúc đẩy đáng kể bởi các lợi ích an ninh kinh tế của quan hệ đối tác thương mại tự do.

Minh bạch và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia là bước đầu tiên trong hành trình hướng tới hợp tác quốc tế có ý nghĩa về an ninh kinh tế. Điều này rất quan trọng trong việc tránh tạo ra vũ khí kinh tế bảo hộ để các quốc gia triển khai chống lại các đối thủ.

Thay vào đó, việc cài đặt các công cụ kinh tế được củng cố bởi những lo ngại về an ninh hợp pháp vừa củng cố chuỗi cung ứng vừa phát triển các khu vực thương mại cạnh tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục