Ẩn số trên đường đua bầu cử quốc hội Hàn Quốc khóa 22

Các ứng cử viên sẽ cạnh tranh 300 ghế trong Quốc hội Hàn Quốc khóa mới, trong đó có 254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp và 46 ghế theo tỷ lệ đại diện đảng.

Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Quốc hội khóa 22 của Hàn Quốc tại Seoul, ngày 5/4/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Quốc hội khóa 22 của Hàn Quốc tại Seoul, ngày 5/4/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc khóa 22 tổ chức ngày 10/4 được coi là phép thử đối với đường hướng chính sách của chính quyền đương nhiệm, đồng thời cũng là chỉ dấu đối với đảng Dân chủ (DP) đối lập chính vốn đang chiếm đa số ghế trong quốc hội hiện tại.

Các ứng cử viên sẽ cạnh tranh 300 ghế trong Quốc hội Hàn Quốc khóa mới, trong đó có 254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp và 46 ghế theo tỷ lệ đại diện đảng.

Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc được cho là có sự cạnh tranh nội tại gay gắt, cuộc tổng tuyển cử mang ý nghĩa quan trọng với đảng Quyền lực quốc dân (PPP) và chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

PPP kêu gọi cử tri ủng hộ để giành đa số ghế trong quốc hội khóa mới. Giới quan sát Hàn Quốc nhận định, 48 đơn vị bầu cử tại Seoul là khu vực cạnh tranh quyết liệt nhất và có thể quyết định kết quả bầu cử.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), những chính sách được cử tri quan tâm nhất liên quan tới sinh kế của người dân (33,6%), tiếp theo là tỷ lệ sinh thấp (22,7%), thúc đẩy kinh tế (12,7%).

Trong số 5 cam kết tranh cử được cử tri quan tâm hàng đầu của PPP, có 4 cam kết thuộc các lĩnh vực dân sinh, gồm nâng hạn mức bảo hộ người gửi tiền tại các công ty tài chính, mở rộng đối tượng và tiêu chuẩn hỗ trợ tham gia tài khoản tiết kiệm mua nhà cho thanh niên.

Đối với DP, cử tri quan tâm nhất tới hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng chế độ tuần làm việc 4-4,5 ngày; tiếp đến là cam kết chi trả tiền trợ cấp kết hôn, thai sản, trợ cấp cho trẻ từ 8-17 tuổi mỗi tháng 200.000 won (148 USD).

ttxvn-bau cu quoc hoi han quoc2.jpg
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo (phải) bỏ phiếu sớm bầu Quốc hội khóa 22 tại Seoul, ngày 5/4. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trước thềm bầu cử, xã hội Hàn Quốc có nhiều xáo trộn khi hàng nghìn bác sĩ tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh vào trường y. Gần 9.000 bác sỹ nội trú và bác sỹ thực tập tại các bệnh viện lớn, tương đương khoảng 70% tổng số cả nước, đã nghỉ việc vào cuối tháng 2 vừa qua. Nhiều ca phẫu thuật và điều trị bị hủy bỏ, đồng thời gây ra tình trạng quá tải tại các khoa cấp cứu.

Theo nhận định của nhà báo John Burton trên tờ The Korea Times, cuộc bầu cử sẽ là bước ngoặt quyết định đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Một chiến thắng thuộc về phe đối lập có nghĩa là nhà lãnh đạo này sẽ không có thực quyền trong phần còn lại của nhiệm kỳ, kết thúc vào năm 2027. Nhưng nếu giành được đa số tương đối hoặc đa số ghế trong quốc hội, ông có thể bắt đầu những cải cách trong nước hai năm sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2022. Quốc hội Hàn Quốc hiện do phe đối lập kiểm soát cho đến nay đã chặn hầu hết các đề xuất của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Triển vọng bầu cử không chắc chắn do sự rạn nứt của hai đảng chính trị chính là PPP và DP đối lập. Mặc dù PPP dẫn trước DP trong các cuộc thăm dò gần đây nhưng sự gia tăng của các bên thứ ba làm giảm cơ hội chiến thắng của PPP.

Theo thăm dò sơ bộ, PPP có lợi thế rõ ràng ở 76 khu vực bầu cử và 24 quận tranh chấp. Trong khi đó, DP cho rằng họ có lợi thế tại 110 khu vực bầu cử. Cả hai chính đảng này đều nhất trí rằng số khu vực tranh chấp sít sao đã gia tăng khi tỷ lệ cử tri bỏ phiếu sớm tăng mạnh.

Theo PPP, số khu vực "chiến địa" tăng từ 55 lên 60. Khu vực cử tri cạnh tranh quyết liệt không chỉ là vành đai sông Hàn và còn mở rộng ra cả các vùng ngoại ô Seoul. Các khu vực lâu nay được coi là "thành trì" của đảng PPP theo trường phái bảo thủ là thành phố Busan, Ulsan, tỉnh Nam Kyeungseong hiện cũng có những dấu hiệu thay đổi.

Trong cuộc thăm dò dư luận do KBS tiến hành 1 tuần trước ngày bầu cử, 33% số cử tri đánh giá tích cực về công tác điều hành quốc gia của Tổng thống Yoon Suk Yeol, 62% số cử tri có ý kiến ngược lại. Tỷ lệ ủng hộ cử tri với DP là 35% và PPP cầm quyền là 36%, đảng Công lý xanh là 1%, đảng Cải cách mới là 3%, đảng Tương lai mới - 1%, đảng Tiến bộ - 1%, đảng Đổi mới Tổ quốc - 8%. Số cử tri chưa đưa ra lựa chọn cuối cùng là 12%.

Ủy ban Bầu cử trung ương Hàn Quốc (NEC) cho biết trong đợt bỏ phiếu sớm (ngày 5 - 6/4), đã có 13.849.043 trong tổng số 44.280.011 cử tri hoàn thành nghĩa vụ công dân. Tỷ lệ bỏ phiếu sớm được ghi nhận là 31,28%, cao nhất trong lịch sử các kỳ tổng tuyển cử và cao hơn 4,59% so với tỷ lệ 26,69% bỏ phiếu sớm trong cuộc tổng tuyển cử liền kề trước đó.

ttxvn-bau cu quoc hoi han quoc3.jpg
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Quốc hội khóa 22 của Hàn Quốc tại Incheon, phía Tây Seoul. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở mức cao đặc biệt, các chuyên gia phân tích chính trị dự đoán cuộc đua tranh trong cuộc bầu cử lần này sẽ sít sao hơn nhiều so với cách đây 4 năm.

Giáo sư Khoa học Chính trị và Ngoại giao thuộc Đại học Quốc gia Seoul Lee Jun-han cho biết nếu trong các cuộc bầu cử trước đây, hiện tượng cử tri cấp tiến thường được vận động bỏ phiếu sớm thì lần này PPP cũng tích cực kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu sớm. Điều này đã làm tăng tỷ lệ bỏ phiếu sớm nói chung.

Trong khi đó, theo ông Kim Hyeong-jun, Giáo sư tại Đại học Paichai, kể từ năm 2017, xã hội Hàn Quốc dường như bị chia rẽ mạnh theo hướng phân cực rõ ràng giữa hai trường phái cấp tiến và bảo thủ, đồng thời cấu trúc xung đột giữa các hệ tư tưởng và phe phái ngày càng gia tăng, vì vậy tạo ra xu hướng cử tri sẽ tích cực đi bỏ phiếu.

Mới đây nhất, cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2022 có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cao nhất trong lịch sử đạt 36,93% và Tổng thống Yoon Suk Yeol theo trường phái bảo thủ đã đắc cử. Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng còn quá sớm để kết luận liệu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao sẽ có lợi cho đảng phái nào.

Cử tri Hàn Quốc ngày càng muốn thể hiện lập trường của mình. Họ hoàn toàn có thể bày tỏ bất tín nhiệm đối với chính sách của chính phủ đương nhiệm nhưng cũng có thể phản ánh sự bất mãn đối với đảng đối lập chính vì lý do cản trở guồng quay chính sách hiện tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục