Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn

Những câu chuyện đời, chuyện nghề cho thấy đội ngũ nhà báo của TTXVN đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội và góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn ảnh 1Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao giải A cho các tập thể và cá nhân, tại Lễ trao giải thưởng báo chí 2021 của Thông tấn xã Việt Nam chiều 22/4/2022. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Với tấm lòng nhiệt tình, yêu nghề, với tinh thần trách nhiệm, các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự ảnh, chương truyền hình chất lượng... Mỗi tác phẩm báo chí là những câu chuyện đời, chuyện nghề đặc biệt được các nhà báo gửi đến công chúng trong và ngoài nước.

Thông điệp về bảo vệ môi trường

Nhà báo Lưu Trọng Đạt, phóng viên cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình, tác giả của phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” kể, mùa khô và mùa mưa năm 2020, anh nhận thấy mực nước thượng nguồn sông Đà, trên địa phận hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị sụt giảm nghiêm trọng.

Các nhánh sông chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong (huyện Đà Bắc) bị khô cạn gây thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, cá lồng bị chết hàng loạt… ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân, đặc biệt cảnh quan bị tác động nghiêm trọng.

Với kinh nghiệm của một phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam đã có nhiều năm quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, nhà báo Lưu Trọng Đạt nhận thấy đây là đề tài lớn, cần phản ánh, tuyên truyền để đưa ra những thông điệp cảnh báo kịp thời.

Anh báo cáo lãnh đạo và lên kế hoạch, đề cương chi tiết cho một phóng sự ảnh về thực trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng của sông Đà và những hệ lụy của biến đổi khí hậu; sự tác động đến sinh kế, môi trường sống tự nhiên khu vực lòng hồ Hòa Bình.

Từ tháng 6-11/2021, bên cạnh đảm bảo thông tin thời sự tại địa bàn, nhà báo Lưu Trọng Đạt luôn dành thời gian đi về những vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn cao. Đầu tháng 7/2021, do lượng mưa ít, mực nước sông Đà trên địa phận tỉnh Hòa Bình xuống thấp, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên tới 39-42 độ C kéo dài trong nhiều ngày đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu ôxy trong nước.

Do vậy, 30 tấn cá của các hộ nuôi cá lồng tại các xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa (huyện Đà Bắc) bị chết. Nhà báo Lưu Trọng Đạt đã kịp thời có mặt và ghi lại những hình ảnh này.

“Tôi không khỏi ngậm ngùi khi ghi lại hình ảnh người dân vớt lên những con cá nặng hàng chục kilogam đã chết, hay hình ảnh những người dân mắt đỏ hoe, ôm con cá chết trên tay mà đau xót khi tài sản mất trắng và nỗi lo không có tiền trả những khoản nợ đã vay để đầu tư nuôi cá...,” nhà báo Lưu Trọng Đạt chia sẻ.

Nhận thấy việc phản ánh đề tài khô hạn tại hồ Hòa Bình không thể dừng lại chỉ một chuyến đi, những ngày tháng tiếp theo, nhà báo Lưu Trọng Đạt tiếp tục bám sát thông tin từ các nguồn tin tại cơ sở để hình thành một đề tài xuyên suốt. Cao điểm là vào tháng 11/2021, hàng loạt các nhánh sông Đà chảy về các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong... cạn trơ đáy khô và nứt nẻ.

“Tôi đứng tại nơi mà chỉ vài năm trước còn là lòng sông, mênh mông là nước, giờ trở thành bãi trống đầy cát và đá sỏi. Tôi chụp hình ảnh đàn bò chậm rãi đi dưới lòng sông, tôi chụp hình ảnh con người đang đứng bần thần buồn bã bên những lồng bè bị mắc cạn, hay những đám cỏ cây chết khô trên bề mặt sông khô kiệt và nứt toác...

Tôi như đang chụp chính một thực thể hiện hữu của thiên nhiên đang thoi thóp, với làn da khô khốc cạn kiệt sức sống mà trong lòng dậy lên những xót xa và đầy bất an. Tôi cảm nhận một cách rõ nét những bất ổn nghiêm trọng về môi trường sống, cảnh quan đang bị tác động của biến đổi khí hậu cùng những tác động tiêu cực đang tàn phá tự nhiên,” nhà báo Lưu Trọng Đạt xót xa nói.

Anh tâm sự, với việc thực hiện bộ phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang,” anh mong muốn gửi tới cộng đồng thông điệp về một dòng sông Đà nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung đang bị cạn kiệt sức sống bởi biến đổi khí hậu; sự tác động quá mức của con người, qua đó kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn và bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta...

Vào “vùng lõi nghèo” tìm lời giải

Loạt bài “Giải phóng” đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần “cuộc cách mạng” quyết liệt hơn của nhà báo Võ Mạnh Hùng - cây bút điều tra của Báo Điện tử VietnamPlus được thực hiện công phu; êkíp đồ họa trình bày theo hình thức Mega-story được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn ảnh 2Các tác giả, tập thể đạt giải B. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ, là một nhà báo chuyên viết về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từng nhiều lần “ăn, ngủ” với đồng bào dân tộc thiểu số để nghe họ chia sẻ về sinh kế.

Anh luôn trăn trở sẽ viết gì đó cho người dân tại các “vùng lõi nghèo của cả nước” với hy vọng sẽ lan tỏa được phần nào tiếng nói, tâm tư, giúp họ sớm thoát nghèo cũng như có tương lai tươi sáng hơn. Và điều đầu tiên anh nghĩ đến, đó là đất đai - nguồn tư liệu sản xuất vô cùng quý giá mà bấy lâu nay nhiều hộ đồng bào vẫn đang thiếu.

[Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Liên chi hội nhà báo TTXVN]

Trên tinh thần ủng hộ của lãnh đạo Báo, ngay từ đầu năm 2021, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã lên kế hoạch với đề cương cụ thể và nhanh chóng đi sâu vào thực tế, nhập vai điều tra.

Sau hơn ba tháng vật vã với những chuyến đi vào vùng lõi nghèo ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, ghi nhận ý kiến của các bên có liên quan, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã xây dựng được loạt bài công phu.

Trong loạt bài này, anh đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, bao gồm: Các lỗ hổng của luật pháp, vướng mắc từ cơ chế chính sách; rất nhiều công ty lâm nghiệp sử dụng đất kém hiệu quả, sử dụng sai mục đích, bỏ hoang đất, rừng cũng như để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất...

Cùng với thực trạng, loạt bài cũng đề cập đến rất nhiều giải pháp căn cơ được đúc rút từ kinh nghiệm của các nhà quản lý qua các thời kỳ và giới chuyên gia, những kiến nghị... nhằm thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách lưu ý, sớm có điều chỉnh, để không gây lãng phí nguồn lực đất đai; cũng như giải quyết được hiệu quả vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước trong thời gian tới.

Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn ảnh 3Các đại biểu tham dự buổi Lễ trao giải thưởng báo chí 2021 của Thông tấn xã Việt Nam, chiều 22/4/2022. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ, sau khi loạt bài được đăng tải, anh đã liên tiếp nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của giới chuyên gia, cử tri, nhất là kiến nghị của các đại biểu Quốc hội khóa XV...

Đánh giá cao việc báo điện tử VietnamPlus đã triển khai loạt bài viết rất công phu và phản ánh đúng thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đai nông lâm trường trong thời gian qua, ngay sau kỳ họp thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đưa ra các giải pháp căn cơ cũng như đặt ra các nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới để đưa đất đai nông lâm trường vào khuôn khổ.

Viết để lan tỏa điều tốt

Năm 2021 là năm đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội cũng như đời sống của người dân. Hàng nghìn tin, bài, phóng sự ảnh, truyền hình... phản ánh về dịch bệnh được các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đăng tải, thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình dịch bệnh ở các địa phương...

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước cả về con người và kinh tế trong đợt dịch thứ tư. Đó cũng là lý do mà rất nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao của Chi hội Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam có chủ đề về COVID-19.

Có thể kể đến những tác phẩm như “Những F0 tình nguyện bám trụ tuyến đầu” của tác giả Đinh Thị Hằng; “Thành phố Hồ Chí Minh căng mình trong cuộc chiến với dịch COVID-19” của nhóm tác giả Hoàng Anh Tuấn, Đinh Thị Hằng, Nguyễn Xuân Khu; "Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở" của tác giả Hoàng Kim Tuyết; “Tích cực vượt bậc trong cứu chữa bệnh nhân COVID-19” của nhóm tác giả Hồ Thị Thu Hằng, Nguyễn Trung Tuyến, Nguyễn Văn Phúc, Lê Thị Hồng Thắm…

Trong số đó, loạt 5 bài phóng sự “Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở” của nhà báo Hoàng Kim Tuyết (bút danh Hoàng Tuyết) - Báo Tin tức khu vực phía Nam được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Loạt bài đã phản ánh chân thực những tấm gương sáng, hành động đẹp trong cuộc chiến chống dịch vô cùng khốc liệt cùng sự hy sinh thầm lặng của cán bộ cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nhà báo Hoàng Tuyết chia sẻ, trong 5 bài viết về cán bộ cơ sở chống dịch, có hai bài viết nói về nhân vật tham gia công tác chống dịch đã qua đời khi đang làm nhiệm vụ.

Đó là đoàn viên Hoàng Anh, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức. Ngay sau khi bài viết đăng trên Báo Tin tức, Hoàng Anh đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen. Nhân vật thứ hai là anh Đinh Chánh Định (48 tuổi), anh ra đi để lại người mẹ già hơn 80 và đứa con trai 22 tuổi nhưng tâm trí lại như đứa trẻ lên 5...

Loạt phóng sự “Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở” của nhà báo Hoàng Kim Tuyết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tỏa sáng tinh thần cống hiến, vai trò trách nhiệm và tiên phong gương mẫu của lực lượng chống dịch ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên. Loạt bài này đã được nhận giải Khuyến khích giải thưởng Búa Liềm vàng 2021.

Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn ảnh 4Các tác giả, tập thể đạt giải B. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngay sau khi nhận được giải thưởng Búa Liềm vàng, phóng viên Hoàng Tuyết đã trích một nửa số tiền thưởng để giúp đỡ những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn trong bài viết của mình - một nghĩa cử cao đẹp đầy tính nhân văn của nữ nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

Cũng là đề tài về đại dịch COVID-19, chùm 5 bài viết “Từ điểm sáng tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh đến chiến lược vùng” của nhà báo Trương Thị Diệp, Chi hội Ban biên tập tin Trong nước và các cơ quan thường trú khu vực phía Bắc được thực hiện vào nửa đầu tháng 8/2021 đã phản ánh, biểu dương những “điểm sáng” - cách làm mới, phát huy hiệu quả trong thực tế của lực lượng y bác sỹ nói riêng, lực lượng phòng, chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Đó là những địa phương, con người bằng phần việc cụ thể, cách làm linh hoạt, sáng tạo, “phá vỡ những quy định cứng nhắc, không phù hợp,” không “bê nguyên xi văn bản vào thực tế,” triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu nhân văn cao cả và cấp bách duy nhất lúc bấy giờ là hạn chế lây nhiễm cũng như số ca chuyển nặng và tử vong.

Đặc biệt, chùm bài viết đã tiếp cận với những người trực tiếp làm công tác chỉ đạo phòng, chống dịch nơi tâm dịch để ghi nhận bao quát vấn đề, cục diện tình hình và đánh giá toàn diện về công tác phòng, chống dịch...

Nhà báo Trương Thị Diệp cho biết, là phóng viên phụ trách thông tin liên quan đến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, chị có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin cũng như những tấm gương các y bác sỹ trong cuộc chiến chống dịch.

Tuy nhiên, được tận mắt chứng kiến quá trình các y bác sỹ thực hiện nhiệm vụ, chị mới cảm nhận được chân thực nhất nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu và thêm khâm phục tinh thần dũng cảm của các chiến sỹ áo trắng. Trong đó, xúc động và để lại ấn tượng nhất với chị là cuộc gặp gỡ với bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Quận 7.

Khi chia sẻ với phóng viên về anh em y bác sỹ tại bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Thế Vũ đã xúc động không nói nên lời. Anh đã phải dừng lại một lúc, nhìn một lượt đồng nghiệp của mình đang tất bật làm nhiệm vụ, rồi mắt đỏ hoe, quay ra nghẹn ngào nói với phóng viên một câu ngắn gọn: “Rất thương nhưng cũng rất tự hào.”

Niềm xúc động của bác sỹ “lây” sang cả phóng viên, làm chị cũng nghẹn ngào vì thương và cảm phục tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ của các y bác sỹ nơi đây.

“Cung đàn Xuân” - cuộc chơi nghề công phu

Ở thể loại truyền hình, tác phẩm “Cung đàn Xuân” của nhóm tác giả Nguyễn Hương Nhu, Hoàng Lan Anh, Trần Gia Hoàng, Trần Tuấn Anh, Hoàng Liên Sơn, Chi hội Truyền hình Thông tấn được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Nhà báo Nguyễn Hương Nhu, đại diện nhóm tác giả chia sẻ, với êkíp thực hiện, “Cung đàn Xuân” là một chương trình lớn, quy mô nhất và công phu nhất. Một cuộc “chơi” nghề tốn kém nhưng cũng rất “đã” khi êkíp được bồi đắp thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm dù đã có trên dưới 20 năm làm truyền hình.

Truyền hình được nói vui là đất diễn của những “chiêu trò,” “ngón nghề” hòng níu kéo cho được khán giả phải ngồi lại lâu nhất trước màn hình vô tuyến, đặc biệt là với các chương trình có thời lượng dài.

Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn ảnh 5Các thế hệ nguyên lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam tham dự Lễ trao giải thưởng báo chí 2021 của Thông tấn xã Việt Nam, chiều 22/4/2022. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Với “Cung đàn xuân,” đó là các visual nhiều màu sắc, chuyển động bắt mắt, sôi động thay đổi liên tục theo nền nhạc và nội dung các tiết mục biểu diễn cộng hưởng với hiệu ứng của các lớp ánh sáng, khói lửa sân khấu. Là các viral phóng sự thật ngắn nhưng vô cùng lắng đọng để tạo điểm rơi cảm xúc cho khán giả...

Và các viral “Ký ức Sơn Lôi” (nơi có những bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên của Việt Nam), “Trở lại Trà Leng” (mảnh đất chịu nhiều đau thương, mất mát trong mùa lũ 2020) đã làm được điều đó.

Trong chương trình, ngoài chính khách, chuyên gia và người nổi tiếng, trên sân khấu trường quay, êkíp còn kết nối gặp gỡ trực tuyến với nhà báo Trương Phi Hùng - Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Phi.

Anh là người có công kết nối với các công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Ghine Xích đạo với chính quyền sở tại và cơ quan chức năng tại quê nhà để hỗ trợ đưa hơn 200 công nhân Việt Nam lên chuyến bay “giải cứu” trở về nước trong nỗ lực “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ tại thời điểm dịch bệnh đang bùng phát trên thế giới.

Một chương trình hoành tráng và công phu, trong đó có những câu chuyện “hậu trường” rất thú vị. Đó là chuyện nhà báo Hoàng Lan Anh (tổ chức sản xuất) tự tay mua muối trắng, hạt đậu xanh, bao diêm về ngồi đóng thành từng túi “tài lộc” để tặng khách mời trong tiết mục chầu văn “Cô bé Thượng Ngàn;” hay chuyện êkíp tự mang bốn chiếc ghế của nhà đến làm đạo cụ sân khấu cho phần tấu khúc nhạc “Lưu thủy kim tiền...”

“Dù rất vất vả, khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo của Giám đốc Nguyễn Thiện Thuật, dưới sự tổng chỉ huy của Phó Giám đốc Quang Vũ, với sự ăn ý, chung sức đồng lòng của anh chị em phóng viên, biên tập, quay phim, kỹ thuật, đồ họa ở ba miền, cuối cùng 'Cung đàn Xuân' - những giai điệu hoan ca trong bản giao hưởng mùa xuân 'Việt Nam khát vọng hùng cường' - chương trình đặc biệt Tết Tân Sửu được lên sóng trước Giao thừa Tết Tân Sửu (tức ngày 11/2/2021) trên kênh Truyền hình Thông tấn đã thành công. Chúng tôi đã rất tự hào và vui vẻ chúc mừng nhau khi cảnh quay cuối cùng kết thúc,” nhà báo Nguyễn Hương Nhu chia sẻ.

Từ những câu chuyện đời, chuyện nghề cho thấy, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam với tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh kịp thời, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Họ xứng đáng được ca ngợi và tôn vinh./.

Ấn tượng những câu chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo Thông tấn ảnh 6Các tác giả, tập thể đạt giải C. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục